(HBĐT) - Được sự giới thiệu của Bí thư Đoàn xã Sơn Thủy (Kim Bôi), chúng tôi đến thăm trang trại tổng hợp của anh Bùi Văn Tám ở xóm Khoang, là một trong những điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi của xã.


Tâm sự về những ngày đầu khởi nghiệp, anh Tám cho biết: "Thấy quỹ đất của gia đình rộng nhưng chưa được đầu tư hiệu quả, tốt nghiệp THPT, tôi luôn trăn trở với suy nghĩ phải làm sao để mỗi tấc đất hoá tấc vàng, làm sao để những thanh niên như tôi có thể làm giàu trên mảnh đất quê hương mình”.

Với suy nghĩ đó, anh Tám quyết định "bỏ ngang” việc học. Bất chấp sự phản đối của người thân, anh đã chứng minh sự lựa chọn của mình là đúng đắn khi mới 35 tuổi đã làm chủ một trang trại rộng trên 2,5 ha với thu nhập bình quân đạt gần 400 triệu đồng/năm.


Từ 250 gốc nhãn ban đầu, đến nay,anh Bùi Văn Tám, xã Sơn Thủy (Kim Bôi) đã làm chủ trang trại tổng hợp cho thu nhập bình quân 400 triệu đồng/năm.

Anh Tám nhớ lại: "Năm 1999, tôi về Hưng Yên lấy giống và bắt đầu phát triển trang trại bằng việc trồng 250 gốc nhãn trên diện tích 2,5 ha đất vườn của gia đình. Kết quả thành công ngoài mong đợi, năm đầu bói quả đã cho thu về 30 triệu đồng rồi tăng lên 150 triệu, 300 triệu, 600 triệu đồng... trong những năm tiếp theo”. Tuy nhiên, không bằng lòng với những gì đã đạt được, anh thường xuyên học hỏi kỹ thuật trồng nhãn, chú trọng áp dụng KH-KT trong trồng trọt, thay dần những giống nhãn có chất lượng. Cho đến nay, vườn nhãn của anh Bùi Văn Tám vẫn luôn được các tư thương đánh giá cao và đặt hàng từ rất sớm. "Năm nay nhãn được mùa nhưng giá không bằng mọi năm, tiền thu từ nhãn của gia đình vì thế có giảm, song qua nhiều năm thu hoạch cho năng suất cao đã minh chứng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Sơn Thuỷ khá phù hợp để phát triển loại cây ăn quả này và hoàn toàn có thể là hướng thoát nghèo cho nông dân nơi đây”- anh Tám chia sẻ.

Song song với đầu tư trồng nhãn, qua tìm hiểu nhu cầu của thị trường, năm 2006, Bùi Văn Tám mở rộng quy mô trang trại bằng việc xây thêm 1 dãy chuồng trại khép kín để đầu tư nuôi lợn lòi lai lợn địa phương. Từ 4 đôi ban đầu, anh đã gây đàn. Với nguồn thức ăn sẵn có như cám nghiền, cây chuối..., chỉ 6 tháng, mỗi con lợn trong đàn đã nặng từ 14- 15 kg và có thể xuất bán, trung bình mỗi năm xuất 2 lứa, mỗi lứa 20-30 con. Hiện nay, ngoài cung cấp lợn hơi, anh còn chú trọng gây và bán lợn giống với giá dao động từ 300.000 - 400.000 đồng/kg. Anh cho biết: Ngay những năm đầu nuôi giống lợn này đã cho thấy hiệu quả. Không chỉ giá thành cao, đầu ra cho sản phẩm cũng ổn định, tư thương thường đến tận nhà thu mua. Gia đình đã đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, song cho đến nay có thể nói vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.

Năm 2010, lấy giống tại Vườn quốc gia Cúc Phương, Bùi Văn Tám nuôi thêm cầy nhung nhằm đa dạng mô hình trang trại, tận dụng triệt để nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên như: cỏ voi, ngô, đậu tương... Sau 1 năm, đàn cầy nhung của anh đã có 23 đôi, bắt đầu sinh sản. Hiện nay, anh vẫn phát triển nuôi cầy nhung theo hướng xuất bán giống với giá 1,5- 2 triệu đồng/đôi.

"ở thời điểm bắt tay xây dựng trang trại, mô hình làm ăn của Bùi Văn Tám là rất mới tại địa phương, đem lại hiệu quả cao. Mô hình của anh đã được Huyện Đoàn Kim Bôi nhân rộng, tổ chức cho nhiều thanh niên đến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm. Anh Tám trở thành tấm gương điển hình có chí hướng làm ăn, dám nghĩ, dám làm, kiên trì, không ngại khó, nhiệt tình truyền kinh nghiệm cho người khác. Rất đáng quý!”, anh Bùi Văn Thắng, Bí thư Huyện Đoàn Kim Bôi nhận định.


                                                                                 Hải Yến

Các tin khác


Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp

(HBĐT) - Thời gian qua, cùng với thực hiện hiệu quả hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả 3 chương trình đồng hành với thanh niên trong học tập; khởi nghiệp, lập nghiệp; rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa, tinh thần trong đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Trong đó, chương trình "Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” tạo thành phong trào có sức lan tỏa rộng, hàng trăm mô hình phát triển kinh tế của thanh niên đã được xây dựng đạt hiệu quả cao.

Đoàn Thanh niên thị trấn Hàng Trạm hỗ trợ thanh niên lập nghiệp

(HBĐT) - Phong trào "Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” được Đoàn Thanh niên thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) chú trọng thực hiện trong thời gian qua. Với sự ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương và nỗ lực từ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) đã xuất hiện nhiều gương thanh niên làm kinh tế giỏi tiêu biểu.

Đoàn xã Phú Nghĩa: Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên

(HBĐT) - Những năm qua, Đoàn xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) đã triển khai nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong phát triển kinh tế, tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đầu tư xây dựng mô hình. Qua đó tạo điều kiện cho ĐVTN phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Thắp lửa tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên xã Ngọc Lương

(HBĐT) - Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, tuổi trẻ xã Ngọc Lương (Yên Thủy) luôn khát khao lập thân, lập nghiệp với nhiều cách làm hay, sáng tạo, không ngừng đóng góp ý tưởng khởi nghiệp, thi đua lao động sản xuất trên các lĩnh vực nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuổi trẻ tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu, tích cực đóng góp công sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Tuổi trẻ thị trấn Mãn Đức thi đua khởi nghiệp sáng tạo

(HBĐT) - Có lợi thế vị trí địa lý nằm ở khu vực trung tâm huyện với hệ thống đường giao thông thuận tiện, dân cư đông đúc, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) không ngừng nỗ lực sáng tạo, thi đua lao động sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống. Qua đó đã triển khai xây dựng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của tuổi trẻ trong xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Đoàn phường Thái Bình tiếp lửa phong trào khởi nghiệp sáng tạo

(HBĐT) - Phường Thái Bình (TP Hòa Bình) có trên 2.000 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), trong đó khoảng 400 ĐVTN là lực lượng nòng cốt trong thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo của tuổi trẻ, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Đồng thời khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của thế hệ trẻ trong xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục