(HBĐT) - LTS: Thực hiện Quyết định số 1528/QĐ-TTg, ngày 1/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia (DLQG) hồ Hòa Bình đến năm 2030, ngày 22/6/2017, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề số 14-NQ/TU về phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình trở thành Khu du lịch quốc gia. Phóng viên Báo Hòa Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Bùi Thị Niềm, TUV, Giám đốc Sở VH-TT&DL xung quanh nội dung này.


Bản du lịch cộng đồng Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc) đem lại trải nghiệm thú vị cho du khách 
đến thăm quan lòng hồ Hòa Bình.

PV: Xin đồng chí cho biết tiềm năng phát triển du lịch của hồ Hòa Bình?

Đồng chí Bùi Thị Niềm: Hồ Hòa Bình là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á. Hồ có chiều dài 70 km, trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc 5 huyện, thành phố của tỉnh. Trong khu vực lòng hồ có 47 đảo lớn, nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi với diện tích 116 ha và 36 đảo núi đất diện tích gần 160 ha. Bên cạnh phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng, khu vực hồ có nền văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc như: Mường, Tày, Dao, Thái là những khu vực có hàm lượng văn hóa cao, là cơ hội lớn để phát triển các loại hình du lịch khám phá, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng. Hồ Hòa Bình có những địa chỉ tâm linh nổi tiếng như: Đền Bờ, đền Cô, đền Cậu, bia Vua Lê... có giá trị văn hóa - tâm linh sâu sắc đã trở thành điểm đến hành hương cho du khách xa gần. Hồ Hòa Bình có vị trí địa lý đặc biệt, nằm trong vùng du lịch trung tâm phía Bắc của đất nước, liền kề với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đây là điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách nghỉ cuối tuần từ Hà Nội và các tỉnh lân cận đến thăm quan, nghỉ dưỡng. 

P.V: Xin đồng chí cho biết những nội dung chủ yếu Nghị quyết chuyên đề số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình thành Khu du lịch quốc gia?

Đồng chí Bùi Thị Niềm: Với tài nguyên du lịch độc đáo cùng giá trị văn hóa các dân tộc còn được bảo tồn, lưu giữ, hồ Hòa Bình có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia. Nghị quyết chuyên đề số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy đặt mục tiêu: Đến năm 2020, xây dựng Khu du lịch hồ Hòa Bình bước đầu đáp ứng các điều kiện trở thành Khu du lịch quốc gia. Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản đạt các điều kiện trở thành Khu du lịch quốc gia. Phấn đầu đến năm 2030, Khu du lịch hồ Hòa Bình trở thành Khu du lịch quốc gia có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, phong phú, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc; trở thành trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh Hòa Bình; là 1 trong 12 khu du lịch trọng tâm của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa Mường gắn với hệ sinh thái lòng hồ Hòa Bình. Nghị quyết cũng đề ra những mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2020, hồ Hòa Bình đón khoảng 63 vạn lượt khách; đến năm 2025 đón khoảng 1 triệu lượt khách; đến năm 2030 đón khoảng 1,6 triệu lượt khách, trong đó 9 vạn lượt khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch phấn đấu đến năm 2020 đạt khoảng 200 tỷ đồng; đến năm 2025 đạt khoảng 580 tỷ đồng; đến năm 2030 đạt khoảng 1.800 tỷ đồng…

P.V: Xin đồng cho biết một số kết quả thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình?

Đồng chí Bùi Thị Niềm: Căn cứ các điều kiện công nhận Khu du lịch quốc gia tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, thì Khu du lịch hồ Hòa Bình hiện mới đạt: Có ít nhất 2 tài nguyên du lịch, trong đó có tài nguyên du lịch cấp quốc gia; có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận; có trong danh mục các khu vực tiềm năng phát triển Khu du lịch quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.  

Các điều kiện chưa đạt gồm: Về kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật còn chưa đảm bảo, đặc biệt là tuyến đường giao thông kết nối các khu, điểm du lịch bên hồ; chưa có các khu, điểm dịch vụ chất lượng cao, đồng bộ. Về lượng khách du lịch, khu du lịch hồ Hòa Bình đã đạt tiêu chí đón 500.000 lượt khách/năm. Tuy nhiên, chưa đạt tiêu chí 300.000 lượt khách lưu trú. 

UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy. Sở VH-TT&DL và các ngành chức năng đang tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù ưu đãi nhằm huy động các nguồn lực, thu hút các doanh nghiệp có năng lực tham gia đầu tư vào khu vực hồ Hòa Bình theo quy hoạch. 

Nhiều dự án quan trọng được gấp rút triển khai để đầu tư kết cấu hạ tầng nhằm khai thác tiềm năng phát triển du lịch hồ Hòa Bình. Tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình đưa vào khai thác rút ngắn khoảng cách giữa Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng Bắc Bộ với khu trung tâm tỉnh lỵ. Các dự án cải tạo nâng cấp đường 435 (từ TP Hòa Bình - Bình Thanh - Thung Nai - Ngòi Hoa) đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành vào năm 2020 sẽ mở ra cơ hội lớn để phát triển du lịch hồ Hòa Bình.
 
Nhiều doanh nghiệp đang khảo sát, nghiên cứu đầu tư vào vùng lõi khu du lịch hồ Hòa Bình. UBND tỉnh đã quyết định chủ trương cho 5 dự án với số vốn đăng ký đầu tư 1.453,5 tỷ đồng, gồm: Dự án Khu du lịch sinh thái Ba Khan; dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Mai Đà Resort; dự án Khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa; dự án Nghỉ dưỡng sinh thái hồ Hòa Bình; dự án Khu du lịch sinh thái V’star Ngòi Hoa. Các dự án này đang trong quá trình triển khai thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tiến hành lập quy hoạch chi tiết... Nhiều nhà đầu tư đang khảo sát, lập dự án xin chủ trương đầu tư như: Dự án sân Golf tại xã Thái Thịnh (TP Hòa Bình) của Công ty TNHH Xây dựng Hanbaek; dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Vầy Nưa tại xã Vầy Nưa (Đà Bắc) của Công ty TNHH Một thành viên đầu tư Anh Tuấn; dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Gươm - Sông Đà tại xóm Liếm, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) của Công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm; dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Tiên Ngòi Hoa, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) của Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Hòa Bình; dự án Khu du lịch sinh thái Thung Nai Peninsula tại xã Thung Nai (Cao Phong) của Công ty cổ phần Quốc tế Quang Minh…

Bên cạnh đó, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như: Sản phẩm du lịch tâm linh đền Thác Bờ, huyện Cao Phong và Đà Bắc; đền Cô Đôi, xã Hiền Lương (Đà Bắc); sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao tại đảo Sung, xã Tiền Phong (Đà Bắc); khu vực vịnh Ngòi Hoa, hồ Hoa, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc); phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại các xóm, bản có điều kiện như: xóm Ngòi, xóm Trụ, xóm Ké, xóm Đá Bia… Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tìm hiểu văn hóa các dân tộc, quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch hỗ trợ… Tỉnh chú trọng công tác quảng bá hình ảnh hồ Hòa Bình, đào tạo, tập huấn, triển khai chương trình liên kết tuyến du lịch đường thủy trên sông Đà kết nối với các điểm khu du lịch hồ Hòa Bình với hồ thủy điện các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc có chất lượng đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của du khách .

P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!


   L.C (thực hiện)

Các tin khác


Sức sống trên dòng Đà Giang

Bài 1 - Chuyển giao sứ mệnh

(HBĐT) - Đà Giang - sông Đà vốn hoang sơ, hùng vĩ và nổi tiếng với những dòng thác oai linh. Từ khi có bàn tay, khối óc của con người đắp đập, ngăn sông, trị thủy để tích nguồn điện sáng, dòng sông Đà không còn hung dữ. Nhưng, dòng Đà Giang vẫn chảy, bồi lấp những vạt phù sa màu mỡ với nhiều nguồn sống sinh sôi.     

Đá Bia - một ngày không... wifi

(HBĐT) - Đá Bia (nay là xóm Đức Phong) - điểm du lịch cộng đồng thuộc xã Tiền Phong (Đà Bắc) không chỉ có núi non hùng vĩ, sông nước hữu tình, con người thân thiện, hiền hòa mà còn có điều đặc biệt, giờ không ở mấy đâu có...

Lưu giữ miền ký ức thác Bờ - phố Bờ xưa

(HBĐT) -Nhà văn Lê Va, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh, người nặng lòng với quá khứ, có mặt tại chợ Bờ từ những năm 70 của thế kỷ trước, chứng kiến trọn vẹn công cuộc di dân, chuyển huyện khỏi vùng ngập để phục vụ xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình. Ông luôn đau đáu hoài niệm về sông Đà, phố Bờ xưa. Sau nhiều năm dày công sưu tầm, ông vừa xuất bản tập sách ảnh "Bờ xưa" với 100 trang và hơn 70 bức ảnh thác Bờ, chợ Bờ, phố Bờ thời chưa đắp đập thủy điện Hòa Bình. Cuốn sách giữ lại những bức ảnh, tư liệu quý cho các thế hệ độc giả về những kỷ niệm, ký ức nay đã chìm sâu dưới đáy hồ sông Đà, nối dài quá khứ với hiện tại và tương lai.

Mở rộng những cung đường đến với khu du lịch hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Được ví như một vịnh Hạ Long thu nhỏ, có điểm nhấn là quần thể di tích tâm linh Thác Bờ, từ nhiều năm qua, hồ Hòa Bình đã trở thành điểm du lịch thu hút du khách. Thực hiện Quyết định số 1528/QĐ-TTg, ngày 1/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030, tháng 6/2017, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 14-NQ/TU về phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình trở thành khu du lịch quốc gia. Từ đây, công tác đầu tư, tôn tạo di tích, phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được quan tâm nhiều hơn, góp phần mở rộng những cung đường đến với khu du lịch hồ Hòa Bình.

Đánh thức những "Nàng công chúa ngủ quên" ven hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, cảnh quan nguyên sơ, hồ Hòa Bình được ví như "Vịnh Hạ Long trên núi”. Ven hồ Hòa Bình có những xóm, bản như những "nàng công chúa ngủ quên" nằm ẩn mình nơi sông nước mênh mang, núi rừng huyền bí. Mỗi nàng công chúa mang một vẻ đẹp riêng. Sau giấc ngủ dài, bản Ngòi, xã Ngòi Hoa - nay là xã Suối Hoa (Tân Lạc), xóm Ké, xã Hiền Lương (Đà Bắc) hay xóm Đá Bia - nay là xóm Đức Phong và xóm Mó Hẻm - nay là xóm Đoàn Kết (xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc)... được đánh thức trước sự ghé thăm của du khách trong và ngoài nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục