(HBĐT) - Về thăm Hòa Bình vào những ngày xuân, ai nấy được hòa mình vào tiếng chiêng rộn rã của những lễ hội đầy bản sắc văn hóa, thưởng thức các món ăn dân tộc và nhâm nhi bên vò rượu cần trong ngôi nhà sàn. Không chỉ có vậy, nơi đây còn níu chân du khách bằng những điệu múa Sạp nồng say, khiến ai đã từng đắm chìm với nó hẳn sẽ không thể nào quên.


Múa Sạp trở thành hình thức giao lưu văn hóa, gắn kết cộng đồng các dân tộc. ảnh chụp tại xóm Quyết Thắng, xã Lạc Lương (Yên Thủy).

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian - NSưT Bùi Chí Thanh cho biết: "Hiện nay, chưa có nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử nào xác định được múa sạp ra đời từ bao giờ, thế nhưng trong sinh hoạt của người dân tộc Mường từ thuở xa xưa đã xuất hiện những trò chơi, điệu múa như vậy. Sau đó những điệu múa ấy được lưu truyền qua các thế hệ, phát triển mạnh mẽ, phổ biến rộng khắp”.

Múa sạp đến với những con người lớn lên trên vùng đất Hòa Bình rất tự nhiên. Trải qua nhiều năm tháng, những điệu nhảy sạp đã ăn sâu vào tiềm thức của con người nơi đây. Có những giá trị văn hóa tồn tại một cách đặc biệt như thế nên cũng dễ hiểu tại sao múa sạp lại là điệu múa đặc trưng và rất phổ biến của người dân tộc Mường.

Đạo cụ cần thiết cho múa sạp phải có 2 cây to, thường là cây vầu, thẳng và dài làm sạp cái cùng nhiều cặp sạp con bằng tre hay nứa, đường kính từ 3-4 cm, dài từ 3-4 m được người dân sáng tạo thành đạo cụ, tạo âm thanh, tiết tấu múa. Bên cạnh đó, các vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày như cung tên, khăn thổ cẩm, khăn lụa cũng được người dân đưa vào trong điệu múa. Đàn ông thì múa sạp với cung tên, phụ nữ múa sạp với quạt, khăn lụa. Tùy thuộc vào từng nơi, từng thói quen canh tác và sinh hoạt mà người dân lựa chọn đạo cụ múa sạp sao cho phù hợp.

Về thăm xóm ải, xã Phong Phú (Tân Lạc), nơi còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Mường. ông Bùi Văn Khẩn, nghệ nhân múa sạp xóm ải cho biết: "Nét đặc trưng trong múa sạp là hai bên nam nữ trong điệu nhảy phải cân đối. Theo quan niệm của người xưa thì sự cân đối này giống như thái cực âm - dương. Trong đời sống tâm linh của người Mường, âm - dương hài hòa như vậy thì mới được mùa. Với tư duy lưỡng phân lưỡng hợp và tư duy phồn thực của người xưa bao giờ cũng mong mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, cuộc sống no ấm”.

Quan niệm về tính cân bằng, hòa hợp nên điệu múa sạp cũng tuân theo những quy tắc nhất định. Đội múa chia ra 1 tốp đập sạp và 1 tốp múa. Mỗi tốp có thể từ vài cặp trai gái đến nhiều cặp, càng nhiều đội hình càng phong phú, sinh động. Tuy nhiên, dù đông đến đâu thì số lượng nam, nữ luôn cân bằng nhau. Bên nam múa thì động tác cần khỏe mạnh, thể hiện sự dũng mãnh, bên nữ uyển chuyển, nhẹ nhàng và động tác lăng tay, chân nhảy phải đều. Điệu sạp đòi hỏi người múa phải cảm nhận âm nhạc, động tác tay chân phải hòa quyện vào nhau trở thành một điểm thống nhất.

Múa sạp ngày xưa không có nhạc nền như bây giờ, tất cả đều được diễn xướng bởi tốp có sạp. Một tốp có sạp đặc trưng bao gồm các đôi trai gái, mỗi đôi trai gái ngồi 2 đầu. Một cặp sạp con và gõ nhịp theo nhịp 4-4. Cứ 3 lần gõ sạp con vào cái thì 1 lần gõ 2 sạp con vào nhau tạo ra âm thanh, tiết tấu cho múa, vừa gõ vừa hát. Với tốp múa, họ sẽ nghe theo tiếng hát và tiếng sạp rồi lần lượt từng cặp trai gái nhảy vào dàn sạp. Mỗi người cầm một chiếc khăn màu, dài, khi tung lên, khi uốn lượn quanh người. Động tác khi lướt cần nhẹ nhàng, uyển chuyển, lúc dồn dập quay, nhảy, bay trên sạp. Tất cả đều phải đúng nhịp, làm sao khi hai sạp con chập vào nhau thì không bị kẹp vào chân. Cứ hai tốp gõ sạp và nhảy múa, thay nhau trong tiếng chiêng, trống nhịp nhàng sôi động. Cuộc vui cuốn hút mọi người hào hứng, say sưa.

Theo thời gian, múa sạp bổ sung thêm nhạc nền, dựa trên nhạc phương Tây để thay cho lời hát cổ. Nhưng nhịp điệu của người nhảy sạp vẫn tuân theo tiếng dập sạp của người gõ sạp. Trong điệu múa, yếu tố âm dương phải thống nhất với nhau, vừa tách ra nhưng phải vừa thống nhất. Tất cả sự hòa quyện đó đã tạo nên vẻ đẹp của làn điệu múa sạp, vì vậy không chỉ là một làn điệu mà nó là cả một thế giới quan cổ của người dân tộc Mường.

Múa sạp của người Mường xuất phát từ trò chơi dân gian đơn giản mà đến nay đã trở thành nghệ thuật múa. Khởi đầu là trò chơi đập chày, đập gậy. Trải qua quá trình phát triển, nghệ thuật múa sạp ngày càng phong phú, sinh động, hàm chứa tính nghệ thuật cao.

ông Bùi Văn Khẩn, nghệ nhân múa sạp xóm ải (xã Phong Phú, Tân Lạc) cho biết thêm: Theo quá trình di cư, người Mường sống gần hơn với những dân tộc khác, múa sạp đã trở thành một hình thức giao lưu văn hóa. Điệu múa đơn giản, dễ học nhưng sôi động, đã làm cầu nối giữa các dân tộc anh em.

Dưới mái nhà sàn, bên con suối, âm thanh của điệu múa sạp vẫn vang lên khi những người bạn nơi xa xôi tìm đến. Điệu múa đã đi qua bao nhiêu đời người, thăng trầm với bao nhiêu biến động giờ đây đang rộn ràng trong tiếng cười vui, tiếng hồ hởi sum vầy, sẽ còn mãi với bản làng, với núi rừng Tây Bắc, mãi mãi đại diện cho cái đẹp của miền non cao hùng vĩ.

Hoàng Anh


Các tin khác


Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục