Lễ trao Giải Mai Vàng vào đêm 23-1 tới đánh dấu một chặng đường dài 15 năm, là dịp hội tụ đông đảo những nghệ sĩ từng đoạt Mai Vàng

Trong ngày vui này, chúng ta sẽ không khỏi bùi ngùi nhớ về những “Mai Vàng” đã rời bỏ trần gian. Trong số họ, có lẽ công chúng hiện vẫn tiếc nhớ nhất ba gương mặt còn khá trẻ là đạo diễn Huỳnh Phúc Điền, nghệ sĩ Thanh Phương và diễn viên Lê Công Tuấn Anh.  Cả ba có những điểm tương đồng:  cùng đi lên từ hai bàn tay trắng, cùng ra đi ở độ tuổi 30 giữa lúc sự nghiệp đang đạt đỉnh cao.


Huỳnh Phúc Điền - Một tài năng bẩm sinh


Những người bạn đồng môn trường sân khấu ngày trước như Phước Sang, Hoàng Sơn, Nhật Cường,... tuy không  mấy ai ngạc nhiên về sự thành danh của Huỳnh  Phúc Điền sau này nhưng vẫn bất ngờ khi thấy anh  rực rỡ ở vai trò đạo diễn ca nhạc chứ không phải bằng nghề diễn viên được đào tạo chính quy. 

Ngày ấy, bản thân là một cậu học trò nghèo từ Vĩnh Long lên TPHCM học đóng kịch, lại lọt vào một lớp cũng toàn con nhà khó khăn ở các tỉnh về nên họ bàn nhau vừa học vừa tổ chức kiếm tiền để tự lập bằng nhiều công việc, từ giữ xe, vá xe, đi buôn, diễn kịch,...


Diễn viên Thanh Phương...


Trong những “dự án” này, vai trò của Huỳnh Phúc Điền và Phước Sang luôn quyện vào nhau như hồn và xác.  Điền đẻ ra ý tưởng, Sang chỉ huy thực hiện.  Hai “thủ lĩnh” không những đã thành công trong việc “xóa nghèo” cho lớp suốt 4 năm học mà khi tốt nghiệp  còn  chia cho mỗi bạn  một chỉ vàng mang về làm vốn.


Cái đầu thông minh của Huỳnh Phúc Điền còn nghĩ ra tên Tuổi đôi mươi đặt cho nhóm hài của một số bạn cùng lớp từng làm mưa làm gió một thời ở TP.  Tưởng như Huỳnh Phúc Điền cũng sẽ thành danh trên sàn diễn khi đóng vai chính khá ấn tượng trong vở kịch Tìm vàng nhưng anh lại bất ngờ xuất hiện như một nhà viết kịch trẻ đầy triển vọng với vở Cõi tình  lúc tuổi đời chưa tới  hai mươi. 

Và khi vở diễn Cõi tình với các nghệ sĩ Kim Xuân, Lê Bình, Minh Hoàng đang trên đường chinh phục người xem với 3 huy chương vàng (tác giả Huỳnh Phúc Điền, đạo diễn Hồng Phúc, diễn viên Kim Xuân) tại Liên hoan Sân khấu nhỏ toàn quốc ở Quảng Ninh năm 1991, Huỳnh Phúc Điền lại lần nữa tạo sự bất ngờ khi trở thành một trong những đạo diễn video clip ca nhạc đắt sô  nhất và khẳng định bằng  giải thưởng VTV – Bài hát tôi yêu với chương trình Giấc mơ tình yêu.
 


....và đạo diễn Huỳnh Phúc Điền. Ảnh: C.T.V


Và rồi,  từ một “chiến binh” xông pha tìm kiếm sự mới lạ trong phương thức phân cảnh video clip nhạc,  gần 10 năm sau, anh đã đáp xuống trận địa sân khấu ca nhạc  như một “tướng lĩnh”. 

Sáng tạo liên tục, anh trằn trọc và bứt rứt  đến mất ngủ nhằm tìm cho mỗi show nhạc một chìa khóa riêng để dẫn dắt chương trình một cách  mạch lạc. Có thể nói, ở lĩnh vực này,  Huỳnh Phúc Điền cũng đã vượt lên hàng đầu. Hai Giải Mai Vàng do công chúng bầu chọn liên tiếp dành cho Điền trong hai năm 2007 và 2008 là sự hồi đáp xứng đáng cho những “trằn trọc, bứt rứt” đó.
  

Hai năm trước khi mất, Điền đã viết một kịch bản điện ảnh có tên Nơi dòng sông dừng lại, vì hoàn cảnh, nó đã phải  dừng lại khi chưa kịp bắt đầu. Còn dòng sông cuộc đời của Huỳnh Phúc Điền, trước khi dừng lại, đã kịp đem đến cho người thân, bạn bè và công chúng những hạt phù sa tươi mát về cái đẹp của tình người, của nghệ thuật.


Thanh Phương: Nghị lực là chìa khóa vào đời


Thanh Phương đã hai lần đoạt Giải Mai Vàng ở hạng mục nam diễn viên chính với vai Dũng đồng tính (phim Công ty thời trang) năm 2005  và Lợi (phim Miền đất phúc) năm 2007. 

Năm 2008, khi thân xác đã về với đất, Thanh Phương vẫn còn nằm trong danh sách đề cử Giải Mai Vàng cho vai nam chính trong hai phim: Giọt đắng và Đam mê.  Bất ngờ ra đi vào đúng ngày 30 Tết cách nay gần 2 năm trong một cơn đột quỵ, Thanh Phương đã để lại trong lòng người hâm mộ sự tiếc nuối về một gương mặt trẻ đa tài và nhiều nghị lực. 


Khát khao đi lên bằng con đường nghệ thuật trong hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả, Thanh Phương đã quyết định bỏ ngang khi đang học năm thứ tư thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội,  một mình lên tàu lửa vào TPHCM tìm đường tiến thân cho dù không hề quen biết một ai. 

Tự đem giọng hát của mình đi “tiếp thị”, sẵn sàng hát lót, hát bè, tham gia tất cả các cuộc thi hát lớn nhỏ và nhận làm nhiều việc lặt vặt khác miễn sao có tiền trang trải chuyện ăn ở, Thanh Phương đã dần trụ lại được nơi thành phố phương Nam xa lạ.
 

Biết không thể thành công nếu không được trang bị đầy đủ kiến thức, sau khi đoạt giải tư Tiếng hát truyền hình TP, Thanh Phương đã thi đậu vào Trường Sân khấu Điện ảnh TPHCM Khoa Diễn viên với quyết tâm chinh phục sàn diễn sân khấu và điện ảnh.
 

Chỉ 6 năm sau, ước mơ này đã thành hiện thực khi anh trở thành một trong những diễn viên được yêu thích ở Sân khấu IDECAF và thành công ngay vai diễn đầu tiên trong bộ phim truyền hình Công ty thời trang với vai Dũng đồng tính.

Chất giọng Bắc “lẻ loi” của Thanh Phương đã không hề cản trở, trái lại như một thứ gia vị làm phong phú cho  các vở kịch trên sàn diễn. Lịch làm việc  của Thanh Phương ngày càng dày đặc khi anh là tác giả của hầu hết các vở kịch thiếu nhi trong chương trình Ngày xửa ngày xưa của IDECAF cùng lúc trở nên đắt show phim truyền hình sau thành công từ vai diễn trong phim Công ty thời trang.

Và tuy không chọn theo nghề ca sĩ sau giải tư Tiếng hát truyền hình nhưng giọng hát của Thanh Phương vẫn luôn được trọng dụng trong các vở ca nhạc kịch trên Sân khấu IDECAF.


Anh đột ngột mất đi khi sự nghiệp đang trên đà thẳng tiến và khán giả vẫn đang chờ đợi gương mặt lém lỉnh thông minh của anh trong vở kịch Hợp đồng mãnh thú vừa công diễn mới 2 suất và bộ phim Đam mê đang phát sóng dở dang.  Nhớ Thanh Phương, nhớ về một gương sáng nghị lực và những Mai Vàng chưa kịp trao.

 

                                                                            Theo Báo NLĐ

Các tin khác


Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu sách trong cộng đồng

Do tác động của công nghệ thông tin, mạng internet, các thiết bị điện tử nên đã ảnh hưởng đến việc đọc của thế hệ trẻ, lấn át văn hóa đọc truyền thống. Sau khi có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã chung tay đẩy mạnh phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trở thành hoạt động lớn trong tháng Tư hằng năm nhằm tôn vinh giá trị của sách trong cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục