Tác giả Chu Thơm.

Tác giả Chu Thơm.

Tại Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp năm 2009, vở Mỹ nhân và anh hùng (tên của kịch bản văn học là Giai nhân và Anh hùng) của tác giả Chu Thơm là một trong ba vở giành huy chương vàng. Cái tựa đề này đã gợi sự phỏng đoán nơi người xem về chuyện tình cảm giữa anh hùng và thuyền quyên của các nhân vật lịch sử.

Nhưng ở tác phẩm này, câu chuyện không phải là vậy. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với tác giả Chu Thơm.

- Không phải là người chuyên viết đề tài lịch sử (LS), các tác phẩm của ông lâu nay thường là chuyện của ngày hôm nay. Nhưng năm qua ông lại chú tâm vào đề tài LS và đã giành được nhiều sự chú ý. Vì sao lúc này ông lại đi vào đề tài LS?

- Lâu nay khán giả cũng đã không ít lần chỉ trích các tác giả viết đề tài hiện đại cũ mòn quá, cứ mãi mô típ tình - tiền - tù tội hoặc tình yêu tay ba tay bốn giằng xé. Cũng chẳng có gì là lạ, bởi vì, đó là đề tài muôn thuở; vấn đề là qua chuyện nhân tình thế thái đó rút ra được điều gì.

Viết đề tài LS là chuyện không đơn giản. Cú này là tôi cũng mạnh dạn và liều lĩnh đấy, nhưng nó xuất phát từ sĩ diện nghề nghiệp. Năm 2008, Cục Nghệ thuật biểu diễn là cơ quan đứng ra tổ chức cuộc thi này. Rất nhiều tác giả trên cả nước đã nhiệt tình tham gia, có người còn gửi hai, ba kịch bản. Mình là tác giả, lại là cán bộ của Cục, chả nhẽ...

- Nhiều người bảo các tác giả muốn nương vào đề tài LS để dễ nói hơn những chuyện của ngày hôm nay?

- Sân khấu là sự ẩn dụ, càng ẩn dụ bao nhiêu thì càng hay chứ không phải cứ huỵch toẹt ngôn ngữ chợ búa là hay đâu. Chèo của các cụ ngày xưa hay vì tính ẩn dụ cao và hay nhất là trò nhời. Tôi viết vở này chính là chơi trò nhời, mượn chuyện xưa để nói chuyện nay.

- Viết về nhân vật LS mỗi người có một cách nhìn, cách khai thác,  người thì cắt tỉa LS ra từng mảnh rồi chọn lựa, người thì làm đầy khiếm khuyết để các nhân vật hoàn thiện hơn về tính cách. Quan niệm của ông khi viết về nhân vật LS thế nào?

- Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, tôi bao giờ cũng muốn đi tìm một cái gì riêng để viết, đụng vào cái người khác chưa đụng và tìm những cái người khác chưa viết, chứ đi vào những cái người ta đã viết, lại không bằng họ thì viết làm gì. Giai nhân và anh hùng  là chuyện của thời kỳ chuyển giao từ nhà Lý sang nhà Trần đã quá nhiều người viết và nhiều vở thành công. Cuộc chuyển giao này nhà văn Nguyễn Đình Thi đã viết trong Rừng trúc, còn Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung - những nhân vật đóng góp vào cuộc chuyển giao thì  các tác giả Nguyễn Anh Biên, Xuân Yến, Hoài Giao,Văn Sử... cũng đã viết rất thành công. Bây giờ mình đụng vào cũng không phải dễ. Nhưng có nhà nghiên cứu LS đã nói: Nếu đặt LS Việt Nam trên một cái gánh thì một bên là chính sử, còn một bên là huyền sử. Nếu chỉ có chính sử thì người ta đọc trong Đại Việt sử ký toàn thư hoặc Việt Nam sử lược tóm tắt các niên biểu thì đã rõ. Văn học nghệ thuật phải đưa được huyền sử vào. Cái huyền sử này phải là cái bóng của LS, nhưng nó lại là chuyện bên ngoài của các quan chép sử. Nói như ông Trần Trọng Kim thì: Những người ăn bổng lộc của triều đình chỉ viết về những chuyện tốt của vua và không được bình phẩm.

- Và trong Giai nhân và anh hùng, ông đã có cách  nhìn như thế?

- Ai cũng biết trong LS, thời kỳ chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần không tốn một mũi tên, một đường gươm. Đó là thời kỳ của vua Lý Huệ Tông, sau đó là Lý Chiêu Hoàng chuyển giao cho chồng là Trần Cảnh. Ở đây tôi nhìn thấy một câu chuyện tình mà LS Việt Nam chưa bao giờ có: Trần Cảnh phải lấy chị dâu của mình để có người nối dõi bởi Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng sống với nhau bao nhiêu năm, đẻ được một đứa con thì chết yểu, nên buộc phải lấy vợ của anh trai mình. Trần Cảnh cũng chính là người đã gả chồng cho vợ - công chúa Chiêu Hoàng sau 20 năm bỏ bà. Đây là yếu tố bi kịch. Tình yêu tay ba này vừa là sự hận thù, vừa là sự dằn hắt giữa bà Trần Thị Dung và hai cô con gái là Thuận Thiên và Lý Chiêu Hoàng.

Còn Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung là  nhân vật rất kịch trong LS cuối đời Lý, đầu đời Trần. Bà về Thăng Long làm vợ Thái tử Sảm, sau là vua Lý Huệ Tông, bị mẹ chồng ghét bỏ, mấy phen đánh thuốc độc cho chết. Lúc Huệ Tông bị mất trí, bà ở ngôi Thái hậu nhiếp chính cho con gái là Lý Chiêu Hoàng. Tôi  nhìn thấy ở đây khúc ngoặt quá lý thú nên đã chọn viết về giai đoạn này và tôi viết về cuộc đời Lý Chiêu Hoàng bắt đầu từ 9 tuổi đến năm bà 60 tuổi trong những mối quan hệ với mẹ, với chị, với Trần Cảnh, với Trần Thủ Độ. Cái khác của vở này là tôi đưa vào hai chứng nhân của LS: đó là 2 quan chép sử vừa là người dẫn chuyện, vừa là người bình phẩm LS.

- Hai nhân vật này hoàn toàn do ông hư cấu?

- Tôi chắc là chưa có trong vở nào. Về nguyên tắc, quan chép sử phải ngồi tại sử quán, có người đứng canh. Chép sử của vua đời này, đời sau mới được xem. Nhưng ở đây, những quan chép sử này lại bình thêm về LS. Hai quan chép sử đều là những người có nhiệt huyết, mặc dù biết là rất dễ bị chém đầu nhưng vẫn không nhụt chí, quyết viết và bình phẩm những gì mình nhìn thấy. Chuyện kịch của tôi bắt đầu từ chuyện dàn xếp của Trần Thủ Độ bắt Trần Cảnh phải lấy Thuận Thiên.

- Mối quan hệ Trần Cảnh - Lý Chiêu Hoàng - Trần Thủ Độ một số tác giả đã viết theo hướng lên án Trần Thủ Độ. Còn ông nhìn nhận các nhân vật ở góc độ nào?

 Cảnh trong vở Mỹ nhân và anh hùng.

- Trong kịch bản của tôi có đề tựa "Gian nan là nợ anh hùng phải vay". Người anh hùng muốn làm nên sự nghiệp lớn nhiều khi phải hy sinh bản thân mình, nhièu khi phải chịu "búa rìu dư luận". Điều quan trọng là cái tâm phải tốt. Trần Thủ Độ là người như thế. Ông có thể cướp ngôi nhà Lý dễ như không nhưng ông không làm điều ấy. Tất nhiên Trần Thủ Độ có cái cá nhân vì giang sơn và dòng họ nhà Trần mà đã ra tay loại hết dòng họ Lý trong triều đình một cách tàn bạo. Nhưng bây giờ thì ông đã được nhìn nhận lại.

- Còn về Lý Chiêu Hoàng?

- Tôi muốn Lý Chiêu Hoàng của tôi khác của các tác giả khác. Đây là một con người bị dìm  vào hết bể khổ này đến bể khổ khác: 9 tuổi lên làm vua, 1 năm sau nhường ngôi cho chồng, phải chứng kiến cái chết của cha là Lý Huệ Tông do bị Trần Thủ Độ bức tử, rồi lại phải chứng kiến mẹ - một người mang họ Trần dâng nhà Lý cho nhà Trần. Nhiều vở khai thác Trần Thị Dung hùa cùng Trần Thủ Độ, nhưng tôi cho rằng bà vì tôn thờ chồng mà phải nghe chồng, cho nên nhiều khi đành phải nhìn các con bị hành hạ. Lý Chiêu Hoàng đã không còn gì để hy vọng trong cuộc sống, nàng sinh ra đã có sẵn một khắc tinh là Trần Thủ Độ trực chờ truy sát, như một thứ kẻ thù truyền kiếp. Nhưng tôi không để Lý Chiêu Hoàng sống trong hận thù như thế. Trong sâu thẳm, nàng biết Trần Thủ Độ chỉ vì nhà Trần. Chỉ người có tâm sáng mới nhìn ra được nhà Trần phát triển là kế tục từ nhà Lý mà người đại diện của nhà Lý là Trần Cảnh. Vì thế dù đau khổ, Lý Chiêu Hoàng không đạp bỏ cái giang sơn đó đi mà tất cả vì chồng, chấp nhận nhường chồng cho chị gái rồi về một trang trại ở Gia Lâm tụng kinh gõ mõ cố quên đi sự đời, nhưng không quên nổi mối tình với Trần Cảnh. Nhiều người nói mối tình Trần Cảnh - Lý Chiêu Hoàng không sâu nặng như vậy, nhưng tôi lại muốn đẩy lên thành huyền sử, ở đó có cặp "Tiên đồng ngọc nữ" luôn sống trong cảnh "Một ngày tương tư bằng vạn ngày u sầu" để tôn lên tâm sáng của giai nhân này. Lý Chiêu Hoàng vừa là giai nhân, vừa là anh hùng của nước Việt - một con người dáng mai vóc liễu, gương mặt tươi như hoa buổi sớm nhưng rất đôn hậu, khiêm nhường và biết hy sinh vì nghĩa cả.

- Với cách nhìn lại các nhân vật như vậy,  nghĩa là ông cũng định "cãi" lại cho họ?

- Có thể nói là như thế. Hãy suy ngẫm, nhìn nhận ở mọi góc cạnh của những nhân vật có những thế bi kịch, ở đó tác giả có quyền suy luận theo chủ quan của mình. Chỉ những nhân vật chịu nhiều nỗi oan trong cuộc đời, những nhân vật xấu số thiệt phận mới có những cái để bình luận.

-Thế khi nhìn nhận lại các nhân vật LS như thế, ông có ngại điều gì không?

- Vở này qua Lý Chiêu Hoàng tôi muốn bênh Trần Thủ Độ, mặc dù gây ra nhiều tội lỗi với nhà Lý nhưng ông là người có công sáng lập và lãnh đạo đất nước Đại Việt  trong suốt những năm đầu triều Trần và cũng có công dạy dỗ đào tạo cho nhà Trần vị vua Trần Thái Tông anh minh lỗi lạc, cùng quân dân đại Việt chiến thắng giặc Nguyên Mông. Tôi vẫn thường nhủ mình rằng: Hãy lấy một cái tốt của một người mà tha thứ cho 10 lỗi lẫm của anh ta. Thực tế thì ngày nay người ta đã lập đền thờ ông trên đồi Lim (Tiên Sơn, Hà Bắc) Chỉ tiếc là đến nay chưa có con đường nào mang tên ông...

 - Xin cảm ơn ông.

                                                                           Theo Báo SKĐS

Các tin khác


Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục