Võ sư Nguyễn Thanh Long(áo trắng) huấn luyện các võ sinh người Đức.

Võ sư Nguyễn Thanh Long(áo trắng) huấn luyện các võ sinh người Đức.

Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Ðại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam (diễn ra từ ngày 1 đến 4-8) tại Bình Ðịnh đã tạo nên ấn tượng mạnh. Hơn 1.000 thầy trò võ đạo của hơn 70 đoàn đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đã hội tụ về miền đất võ Bình Ðịnh.

 
Không phân biệt mầu da, sắc tộc, tôn giáo, chủ hay khách... những con người đã xem võ cổ truyền Việt Nam nói chung, võ Tây Sơn Bình Ðịnh nói riêng là một phần máu thịt của mình, lại thêm một lần nữa được siết chặt tay nhau, cùng tiếng nói chung, cùng một ý nguyện: bảo tồn và phát triển võ Việt trên toàn thế giới.


Trưa ấy, ở võ đường Lê Xuân Cảnh tại thôn Cẩm Tiên, xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn, chứng kiến cảnh hàng trăm võ sư, võ sinh từ già đến trẻ, với nhiều mầu da, ngôn ngữ...  xếp thành hàng dài chờ đến lượt mình được thành tâm dâng hương, cúi lạy tổ đường rồi cùng nhau say sưa quần thảo trong từng đường quyền, thế võ trước bàn thờ tổ, tất cả đều lặng đi vì xúc động. Võ sư Lê Xuân Cảnh cũng không giấu được cảm xúc: "Tôi theo nghiệp võ đã hơn 30 năm. Ðệ tử giờ đã có vài nghìn. Tôi rất vui khi thỉnh thoảng lại được gặp lại vài môn đệ lập nghiệp ở xa tìm về tổ đường, thành tâm dâng hương. Trong số họ, có rất nhiều người đang định cư ở nước ngoài và vẫn theo nghiệp võ. Và giờ chứng kiến cảnh kia... (võ sư Lê Xuân Cảnh đưa tay chỉ đoàn người nước ngoài đang xếp hàng vào dâng hương tổ đường, trong đó có cả những ông già, trung niên cả các cậu bé người Âu đang cúi lạy tổ đường, tôi tin chắc chắn rằng tài sản quý giá của cha ông mình - võ Tây Sơn Bình Ðịnh sẽ không mất, sẽ mãi trường tồn và phát triển".  


Cũng tại võ đường này, tôi gặp lại "cô gái vàng" của võ thuật Bình Ðịnh năm nào - Lê Thị Bảo Thương. Gần 20 năm trước, khi còn nằm trong đội tuyển võ thuật của tỉnh, Bảo Thương đã mang về cho Bình Ðịnh hàng chục Huy chương vàng ở các giải võ cổ truyền toàn quốc. Giờ thì Bảo Thương về phụ giúp sư phụ mình là võ sư Lê Xuân Cảnh để tiếp tục nghiệp võ. Tôi rất bất ngờ là hai võ sĩ nhí, một trai một gái đều rất xinh xắn mà tôi vừa hỏi chuyện và chụp ảnh khi nãy lại là hai con của Bảo Thương. Cô chị tên Trần Thị Bảo Trâm, năm học này lên lớp 6. Cô bé học sinh giỏi cấp huyện này vừa mang về cho võ đường và gia đình vinh quang đầu tiên là tấm Huy chương vàng giải vô địch võ cổ truyền các câu lạc bộ và võ đường tỉnh Bình Ðịnh. Bảo Trâm thổ lộ: "Mỗi ngày, cháu dành hai giờ để tập võ. Cháu rất thích võ dân tộc vì càng học càng thấy nhiều điều hay. Và vì cháu rất yêu mẹ cháu nên cháu muốn sẽ được như mẹ". Còn cậu em 10 tuổi tên Trần Quang Bảo, cũng đang là môn sinh của võ đường, cậu đang bận rộn với mấy cậu "Tây con" đang rất bái phục mình sau bài Ngọc trản mà cậu vừa biểu diễn một cách xuất thần. Vừa hướng dẫn các "chiến hữu Tây" các động tác ra đòn, cậu vừa bẽn lẽn trả lời phỏng vấn: "Cháu học võ được ba năm rồi ạ. Cháu muốn giỏi võ để không ai ăn hiếp (bắt nạt) được mình và để bảo vệ lẽ phải ạ".


Cô bạn đồng nghiệp ở Báo Thể thao Việt Nam chứng kiến cảnh này đã thốt lên: "Ðến đây, em mới cảm nhận được hết sức mạnh quyến rũ - kết tinh từ bao vỉa tầng lịch sử, văn hóa Bình Ðịnh - tinh lọc nên võ Tây Sơn - Bình Ðịnh. Vì vậy có thể nói võ cổ truyền Việt Nam, võ Tây Sơn Bình Ðịnh đã trở thành ngôn ngữ hội nhập toàn cầu...".


"Người trả hiếu cho Tổ quốc" là nhan đề một bài viết của một tờ báo Pháp viết về võ sư Trần Hoài Ngọc, Chưởng môn phái Cửu Long võ đạo, đang định cư tại thành phố Nice, miền nam nước Pháp. Chúng tôi gặp ông Ngọc trong cả ba kỳ Liên hoan Quốc tế võ tại Bình Ðịnh. Lần này, ngoài việc đưa các môn sinh nhiều quốc tịch của mình hành hương về đất tổ nghiệp võ, ông Ngọc còn đưa cả vợ và con về quê hương. Theo ông Ngọc, chỉ có khi đứng trên chính mảnh đất này mới thấy rưng rưng, mới cảm nhận được hết giá trị tinh hoa võ Việt. Do vậy, trong những cố gắng quảng bá võ học truyền thống, Cửu Long võ đạo không chỉ phát huy võ dân tộc mà còn truyền bá y học cổ truyền và văn hóa Việt Nam tại hải ngoại. Ông Ngọc bồi hồi: "Ba mươi năm trước, khi mới sang Pháp, tôi có một thân thể gầy yếu với trọng lượng chỉ 47 kg. Ðể chống lại cái lạnh của băng tuyết vùng Ðịa Trung Hải, chính võ thuật và y học cổ truyền đã giúp tôi và cả gia đình trụ vững. Dù khi mới sang Pháp, tôi phải mưu sinh bằng đủ thứ nghề từ khuân vác đến làm công. Chính học võ, nghiên cứu y học cổ truyền đã giúp tôi lấy lại thăng bằng trong cuộc sống đầy vất vả. Và cũng nhờ đam mê võ thuật mà tôi được nhiều người bản địa yêu mến. Tôi truyền niềm đam mê ấy cho các bạn Pháp, và họ đã giúp tôi mở võ đường để dạy họ và con em của họ. Cứ thế, đến năm 1992, môn phái Cửu Long võ đạo đã có sáu võ đường với 647 võ sinh người Pháp. Sau khi giao lại các trung tâm huấn luyện tại Nantes cho các học trò tiếp tục duy trì và phát triển, tôi về định cư tại Nice, thành phố phía nam ấm áp hơn. Ở đây tôi nhận làm trợ lý điều dưỡng liệu pháp cho bệnh viện của thành phố và mở thêm hai trung tâm huấn luyện võ thuật, chiêu sinh thường xuyên 120 võ sinh. Ðến nay, tôi đã có vợ và bốn người con. Vợ tôi đã từng vô địch quyền thuật toàn Pháp, hiện là huấn luyện viên Tam đẳng huyền đai. Con trai đầu của tôi là Trần Ða-vít, bác sĩ ngoại khoa, hiện đang huấn luyện võ thuật cho Sở cảnh sát Nice. Con trai thứ hai là Trần Antoine, bác sĩ nhi khoa, từng vô địch quyền thuật nhiều năm tại Pháp, con gái thứ ba là Trần Delphine, cử nhân hóa thực phẩm cũng nhiều lần vô địch quyền thuật toàn Pháp và đang là huấn luyện viên chủ yếu của Cửu Long võ đạo. Con gái út của tôi cũng đang học năm cuối đại học, tên là Trần Hélène cũng đã đoạt nhiều Huy chương vàng tại Pháp. Lần này tôi đưa cháu về Việt Nam. Cháu vừa đoạt giải khuyến khích cuộc thi "Người đẹp quốc tế võ thuật cổ truyền tại Bình Ðịnh".


Võ sư Sainton Jean Pierre từ Pháp cùng võ đoàn Song Long tâm sự: "Hiện nay võ phái Song Long đã phát triển rất rộng tại Pháp với hàng nghìn môn sinh. Võ cổ truyền Việt Nam càng học càng mê. Bởi bên trong những đường quyền, thế võ, người học còn tạo được cho mình ý chí mạnh mẽ, tự tin trong cuộc sống. Các võ sư Việt Nam luôn toát ra một ý chí quả cảm, mạnh mẽ; một phong thái ôn hòa; một tâm hồn thanh tao, nên ai cũng ngưỡng mộ. Ðó là lý do mà càng ngày càng có nhiều người Pháp theo học võ Việt. Theo tôi được biết, hiện ở Pháp có hơn 50 nghìn môn sinh võ Việt".


Theo ông Phạm Ðình Phong, Phó Chủ tịch Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam thì hiện nay võ cổ truyền Việt Nam đã khẳng định được vị thế tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, mạnh nhất là ở Hoa Kỳ, Pháp, Anh. Võ sư Hồ Bửu, Chưởng môn võ đường Tây Sơn tại Virgina - Hoa Kỳ,  người đã có gần 50 năm trong nghề dạy võ bộc bạch: "Xưa kia, ông bà mình học võ để chống lại mãnh thú và giặc ngoại xâm. Giờ thì người ta học võ với mục đích rèn luyện thân thể. Ở Hoa Kỳ hiện nay, giữa nhiều môn thể thao rèn luyện sức khỏe, nhiều người chọn võ cổ truyền Việt Nam để tập luyện bởi khi luyện võ là đồng thời rèn luyện ý chí".


Còn theo võ sư Diệp Lệ Bích, Chưởng môn phái Bình Thái Ðạo tại Anh: "Cha tôi là võ sư Diệp Bảo Sanh, người dân quê An Thái, An Nhơn (Bình Ðịnh) là tác giả của cuốn sách "Võ Bình Ðịnh chân truyền" xuất bản năm 1971. Tôi định cư tại Anh vào năm 1979. Biết tôi là con nhà võ, năm 1985, lãnh đạo ngân hàng nơi tôi làm việc đề nghị tôi mở một lớp đào tạo võ Bình Ðịnh. Võ đường Bình Thái Ðạo của chúng tôi hiện có hơn 200 người Anh đang theo học. Từ Bình Thái Ðạo tại Anh, hiện nay chúng tôi đã truyền bá, phát triển tại nhiều quốc gia khác với hơn 2.000 võ sinh. Hiện nay, trước nhu cầu ngày càng lớn trong khi thiếu võ sư và huấn luyện viên, chúng tôi nghĩ ra cách dạy võ qua mạng và đã thực hiện thành công trong ba năm qua".



Hoa khôi liên hoan quốc tế võ cổ truyền
Việt Nam 2010 Trần Thị Thanh Vân.


Ðêm bế mạc Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ ba tại Quảng trường Quang Trung - thành phố Quy Nhơn đầy lưu luyến. Hình ảnh các lão võ sư, các môn sinh tuổi nhi đồng, dù là người Việt hay người nước ngoài đều ôm chặt lấy nhau như không muốn rời xa, như không muốn để thời gian trôi qua. Vì hai năm nữa họ mới được gặp lại nhau. Võ sư Lê Hữu Quế, Chưởng môn Tổng hội phát triển võ thuật quốc tế (Hoa Kỳ) ôm chặt cây đại thụ của làng võ Bình Ðịnh - lão võ sư Ðào Thanh và nói trong giàn giụa nước mắt: "Hai năm nữa, chúng con về đây thì có còn được gặp lại thầy và các lão võ sư Bình Ðịnh khác nữa không? Mà ngay cả con nữa chắc cũng khó mà về thêm được hơn hai lần nữa. Chúng ta hãy làm ngay một điều gì đó đi. Thời gian có đợi đâu?". 


Ðúng vậy! Ðể nâng tầm võ Việt - xứng với vị trí đích thực của nó, vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
 
 
 
                                                                                       Theo ND

Các tin khác


Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục