Hà Nội vốn nổi tiếng với nghề chạm bạc, chạm đồng ghi dấu bao tên tuổi dòng tộc từ đời này sang đời khác, nhưng nghề chạm khắc đá mỹ nghệ thì dường như còn mới mẻ. Tại triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ lần thứ 2 vừa tổ chức tại Hà Nội (4 – 9/8), người xem thực sự ngỡ ngàng khi chiêm ngưỡng 100 tác phẩm của Công ty mỹ nghệ đá Minh Đức. Điều đặc biệt ấn tượng là ông chủ đã có ý tưởng thổi hồn 1000 năm vào đá với 10 sản phẩm đặc sắc để chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long.

“Sang chơi đá, giàu trữ vàng” – nhân gian đã tổng kết như vậy, nhưng thú chơi đá thì cũng có nhiều kiểu khác nhau: có người chơi đá thế tự nhiên, có người chơi đá tạo dáng và giờ đây người ta bắt đầu chơi đá mỹ nghệ. Không chỉ làm đẹp, làm sang trọng cho ngôi nhà, mà đá còn có ý nghĩa về mặt phong thủy và sức khỏe của con người. Cứ theo phương châm ấy mà cha con ông Minh kiên trì theo đuổi cái nghiệp này và đến nay các sản phẩm của Công ty cổ phần mỹ nghệ Minh Đức đã trở thành một thương hiệu.

Lâu nay, người ta đã quen xem cách chạm khắc tinh xảo này trên gỗ, trên sừng, trên xương. Nhưng để biến những khối đá tự nhiên nặng cả tấn thành những sản phẩm với những đường nét mềm mại, lại hết sức sống động thì quả là kỳ tài. Cứ thử tưởng tượng xem, cả khối đá ấy, giòn và cứng như thế mà qua bàn tay tài hoa của người thợ, biến thành những lọ lộc bình được trang trí bằng cảnh sinh hoạt của  người Việt cổ; hay chiếc lư hương được chạm khắc hàng chục con rồng; chưa hết, một khối đá qua cả nửa năm miệt mài sáng tạo đã trở thành tác phẩm Hồn quê, ở đó như một bức tranh về một làng quê thu nhỏ, có đủ cả bụi tre, giếng nước, cậu bé chăn trâu thổi sáo, anh thợ cày, chị thợ cấy... Tò mò và hiếu kỳ, chúng tôi đã xuống tận 273 Tân Mai, Hoàng Mai (Hà Nội) để tận mắt xem bàn tay vàng của các nghệ nhân đã biến hóa thế nào để những khối đá vô tri, vô giác thành tác phẩm nghệ thuật sống động.

 Ông Minh bên chiếc lư hương chạm 83 con rồng.

Gần 70 tuổi nhưng ông Minh còn tâm huyết lắm. Ông kể, từ năm 1986, khi còn là cán bộ của Tổng cục Địa chất, ông đã có đề nghị với Tổng cục thành lập cơ sở chế tác đá, con trai của ông cũng về đó làm. Nhưng do cơ chế bao cấp khó hoạt động, những thợ giỏi dần dần bỏ đi. Vài năm sau, con ông cũng xin nghỉ việc. Thế là bố con ông mở xưởng riêng từ đó. Khi ấy, sản phẩm làm ra đơn giản lắm, chỉ là những bộ ấm chén, bộ tam đa... nhưng lại bán được vì sản phẩm bằng đá đang là mặt hàng lạ. Phải đến 2005, mấy bố con ông mới chính thức thành lập Công ty cổ phần mỹ nghệ Minh Đức. Những biến động kinh tế thế giới đã tác động không nhỏ đến hoạt động của các công ty nhỏ lẻ, công ty của ông cũng không nằm ngoài vòng quay đó, có những lúc cũng chênh vênh bên bờ vực bởi vốn đầu tư cho một sản phẩm tốn kém. Ông bảo, nghề này cũng phải có cái duyên. Chỉ cho chúng tôi xem đôi lọ lục bình có vân đá màu xanh xám pha sắc hồng giống nhau, ông nói rằng tìm được hai khối đá có vân màu giống nhau thế này là cực kỳ hiếm. Nhiều khi đi mua đá rất tù mù, phải dựa vào kinh nghiệm phán đoán, cả khối đá to thế kia, chưa biết bên trong màu sắc và thớ đá ra sao. Đôi lọ lục bình này có thể nói là độc nhất vô nhị.

Làm nghề đá mỹ nghệ này, ngoài yêu nghề để đam mê sáng tạo thì người thợ phải có tay nghề cao. Vì thế ông luôn chú trọng việc đào tạo thợ, với phương châm sản phẩm phải tinh để giữ chữ tín với khách hàng. Ông Minh tự hào khoe: Cả nước thì không dám sánh, nhưng tính ở miền Bắc thì những thợ tay nghề cao nhất về chạm khắc đá nằm hết ở công ty này.

Chuẩn bị cho sự kiện 1000 năm Thăng Long, ông Minh đã bỏ ra cả tỷ đồng xây dựng dự án sản xuất 10 sản phẩm đặc sắc tham gia triển lãm trong Đại lễ 1000 năm. Tận mắt ngắm nhìn những sản phẩm này mới thấy khâm phục khả năng tuyệt vời của con người. Trên chiếc lư hương có đường kính 45cm, cao hơn 1m chạm khắc tới 83 con rồng uốn lượn cách điệu. Ông giải thích vì trong 1000 năm có 83 năm Thìn. Để ra được sản phẩm này, 3 người thợ phải làm trong 2 năm. Hay tác phẩm Tháp Chàm 5 tầng chạm theo mẫu tháp ở thánh địa Mỹ Sơn. Mỗi mặt chân tháp chạm 18 hình người, vậy là mỗi tầng chân tháp có 72 hình người. Sản phẩm này 3 người thợ giỏi làm trong 6 tháng. Rồi tranh Thăng Long, chạm cảnh vua Lý Công Uẩn đang ngự trên thuyền rồng, phía trước là con rồng đang bay lên. Hay Bảo Tháp 13 tầng, 4 đỉnh là 4 con rồng cách điệu thành số 1000... Nghe nói có khách Trung Quốc mê sản phẩm của Minh Đức lắm, đòi mua giá cao nhưng ông kiên quyết không bán. Hỏi thì ông bảo, những sản phẩm đẹp về màu sắc, tinh xảo về đường nét chưa làm được nhiều, mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật, không sản xuất hàng loạt được, có cái không thể làm được cái thứ hai nên ông muốn để triển lãm và quảng bá trong nước. Mới hay, không phải nhà kinh doanh nào cũng đặt mục đích lợi nhuận lên hàng đầu, mà nhiều khi niềm tự hào, tự tôn dân tộc mang giá trị lớn hơn rất nhiều. Cũng vì thế, trong loạt sản phẩm thông thường của mình, ông Minh luôn chú trọng những mẫu mã mang tính dân tộc, đặc biệt là những sản phẩm để bán dịp kỷ niệm 1000 năm: các loại trống đồng, các hộp đựng, lọ hoa, đèn ngủ có họa tiết về phong cảnh Hà Nội với Hồ Hoàn Kiếm, cầu Thê Húc, Khuê Văn Các, phố cổ Hà Nội...

Yêu nghề nghề chẳng phụ. Hiện nay các sản phẩm đá mỹ nghệ của Minh Đức đã được nhiều khách hàng quan tâm để làm sang trọng thêm ngôi nhà của mình. Điều mà ông Minh mong muốn là sản phẩm mỹ nghệ đá này sẽ được đông đảo người dân VN tin yêu.

                                                                              Theo Báo SKĐS

Các tin khác


Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục