Trần Nhật Minh

Trần Nhật Minh

Có thể làm âm nhạc hàn lâm trở nên quen thuộc với người Việt Nam? Chàng trai trẻ Trần Nhật Minh - người chỉ huy hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng - đang tìm cách trả lời câu hỏi đó

 
Trong những buổi hòa nhạc của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TPHCM (HBSO), thỉnh thoảng khán giả bắt gặp người chỉ huy dàn nhạc thuộc hàng trẻ của Việt Nam, đó là Trần Nhật Minh, tốt nghiệp Khoa Chỉ huy hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện Tchaikovsky (Nga). 30 tuổi, Trần Nhật Minh là một trong ba người chỉ huy dàn nhạc trẻ tuổi nhất của Việt Nam.

Cần mẫn trong khát khao
 
Công việc của anh trên sân khấu biểu diễn nhạc hàn lâm mà mọi người biết đến như một tấm gương phản chiếu trọn vẹn bản chất của một nhạc trưởng trẻ tuổi: Sự năng động, hiện đại, cần mẫn và tâm huyết.
Trần Nhật Minh. Ảnh do nhân vật cung cấp
 
Nhạc hàn lâm với công chúng Việt vẫn còn xa lạ. Nhiều người vẫn lo nghĩ rằng điều này sẽ làm ảnh hưởng đến niềm đam mê của những người đang theo đuổi nhạc hàn lâm như Minh, nhất là đối với công việc chỉ huy, chỉ hoạt động được trong những buổi hòa nhạc, mà những buổi hòa nhạc ở Việt Nam thì diễn ra không nhiều. 
 
Nhưng Minh bảo: “Có lẽ vì tất cả những điều đó mà nhiệm vụ của chúng tôi là phải làm cho nhạc hàn lâm bớt xa lạ, tạo ra thói quen thưởng thức âm nhạc hàn lâm cho khán giả. Hình thức kết hợp các thể loại khác với dàn nhạc giao hưởng cũng là một cách làm của các đạo diễn chương trình. Điều đó giúp cho khán giả quen thuộc hơn với hình ảnh dàn nhạc và cũng là động lực để nghệ sĩ hàn lâm tìm tòi cái mới”.

Nhạc hàn lâm luôn có vị trí cao nhất trong các loại hình giải trí dành cho khán giả và luôn được nhìn nhận một cách trân trọng. Trần Nhật Minh tin rằng sự lạc quan và niềm tin đó sẽ giúp anh và đồng nghiệp của mình chiến thắng.

Không ít lần, chính anh cũng đã nhận được những thắc mắc rằng nên sử dụng chiếc đũa chỉ huy của mình ở nơi mà nhạc hàn lâm có đất diễn hơn là trở về quê nhà như anh đã làm. Nhưng anh chỉ cười và bảo: “Nói chung, làm việc ở đâu cũng đầy thách thức, nhưng ở đây thì tôi có gia đình và bạn bè. Điều đó rất quan trọng  đối với tôi”. Vì vậy, anh đã trở về.
 
“Tôi nghĩ thực tế đang cho ta thấy điều ngược lại với lo lắng của nhiều người rằng ở Việt Nam, tôi không có đất dụng võ. Tôi và bạn bè đồng nghiệp vẫn đang có nhiều việc chuyên môn để làm, để sáng tạo… Số lần chúng tôi được lên sân khấu biểu diễn ngày càng nhiều hơn. Như vậy là TPHCM cũng có một số lượng khán giả nhất định biết thưởng thức và ủng hộ âm nhạc mà chúng tôi mang tới”.

Đã từng nghe và chứng kiến vài thể nghiệm mới mẻ của anh ở sân khấu HBSO, điều không thể phủ nhận là Nhật Minh đang nỗ lực rất nhiều cho công việc mà anh theo đuổi. Với những kinh nghiệm có được từ thực tế làm nghề tại quê nhà nhiều năm qua, Nhật Minh đã có cái nhìn rõ hơn và cũng bước đầu tìm thấy những hướng giải quyết khả thi hơn cho mối bận tâm của mình.
 
Anh đã cùng những đồng nghiệp trẻ tại HBSO: Duy Linh, Việt Anh, Phúc Hải, Phúc Hùng, Anh Sơn, Hồng Châu, Ngọc Tuyền... đưa ra những sáng tạo, thử nghiệm mang tính “làm việc theo nhóm”. Có thể đó chỉ là những sáng tạo nhỏ, ngắn, giản dị và không thường xuyên nhưng sẽ gần hơn với đời sống của người trẻ nói riêng và công chúng thưởng ngoạn nói chung.
 
Vở múa Chuyển - kỷ niệm 16 năm thành lập HBSO diễn hồi tháng 9-2010 mà Nhật Minh cùng Nguyễn Phúc Hải, Nguyễn Phúc Hùng (biên đạo múa), Nguyễn Mạnh Duy Linh (nhạc sĩ) và các cộng sự khác cùng tham gia - là sự sáng tạo đáng được ghi nhận.
 
Với vở múa này, họ đã đem đến cho khán giả những tác phẩm “đời” hơn, được xây dựng trên nền nhạc và vũ đạo hiện đại, dễ cảm hơn. Hay thời gian gần đây là những buổi diễn định kỳ vào ngày 9 và 19 của nhà hát, cái tên Nhật Minh càng trở nên đậm nét với khán giả. Nói về điều này, anh bảo: “Có lẽ điều tôi gặt hái được là sự ủng hộ của đồng nghiệp và khán giả. Nhưng tất cả những thể nghiệm đó đều là những tiết mục nhỏ và thiếu đồng bộ.
 
Trong tương lai, âm nhạc hàn lâm sẽ phải hấp dẫn khán giả bằng hình ảnh, không gian, dù sân khấu hàn lâm lâu nay vốn khá cứng nhắc. Chúng tôi muốn bắt đầu bằng những tác phẩm dễ nghe, quen thuộc, kết hợp với những cách làm mới để làm hướng phát triển của mình”.

Giỏi toán, theo nhạc

Được nuôi dưỡng trong một gia đình yêu âm nhạc, mặc dù không phải là người trong nghề, nhưng cha mẹ anh, đặc biệt là mẹ anh rất thích âm nhạc và hay hát. “Gu” âm nhạc của mẹ anh là nhạc cổ điển hoặc những bài dân ca trữ tình của Nga... Và điều đó đã thẩm thấu vào tâm hồn anh trở thành sở thích của anh. Khi lên 6 tuổi, anh đã tiếp cận và được học đàn piano một cách chuyên nghiệp dưới sự hướng dẫn của cô giáo Trần Thanh Thảo.
 
Mọi người bảo anh có khiếu với âm nhạc và ngạc nhiên hơn là anh học cực kỳ giỏi các môn tự nhiên. Đó là lý do anh có ý định thi vào Trường Đại học Lomonosov (Nga). Thế nhưng, như một định mệnh, mọi người, trong đó có GS - TS âm nhạc Bùi Công Thành và thầy Trần Duy Cương (Trưởng Bộ môn Ký xướng âm của Nhạc viện TPHCM) động viên khuyến khích anh sang Nga theo học ngành âm nhạc tại Nhạc viện Manitagorsk.
 
“Mới đầu còn bỡ ngỡ với điều kiện sống mới, ngành học mới nhưng sau này, khi đã hiểu và yêu rồi thì tôi thấy bộ môn nghệ thuật này chính là cái nghiệp của tôi, không thể bỏ được” - anh chia sẻ.

Phải yêu nghề lắm anh mới vượt qua những khó khăn của ngành học chỉ huy, bởi đây là một môn học khó, ít người chọn lựa. “Lúc nào cũng thấy khó” - anh nhớ lại. Nhưng bù lại, khi thật sự yêu cái mình đang theo đuổi, cái khó đôi khi lại là một niềm vui mà như anh nói vui: “Cũng rất thú vị, nhất là cảm giác mình nói gì ai cũng phải nghe, làm gì ai cũng phải theo, dù là chỉ vài phút trên sân khấu!”.
 
Nói về những gì đã đạt được, Trần Nhật Minh bảo: “Đối với những nghệ sĩ, nhất là hoạt động trong lĩnh vực nhạc hàn lâm, con đường đi đến thành công thường khó khăn và dài. Con đường của tôi mới chỉ bắt đầu thôi. Chưa thể nói được gì trong tương lai nhưng hiện tại thì tôi hạnh phúc và khá bận rộn với công việc này. Cảm giác như mình được đặt đúng chỗ, được làm những công việc sở trường và tôi chưa có dự định thay đổi”.

Khát khao chiến thắng

Năm 2003, Nhật Minh giành được giải nhì tại cuộc thi âm nhạc quốc tế dành cho những chỉ huy hợp xướng trẻ tổ chức tại Vladivostok (có 6 nước tham dự).
 
Tháng 11-2006, Nhật Minh lại giành giải thưởng tại cuộc thi chỉ huy dàn hợp xướng hàn lâm toàn Liên bang Nga lần thứ 4 (tổ chức 5 năm/lần).  Đây là cuộc thi dành cho những người chỉ huy chuyên nghiệp, Minh là người nước ngoài duy nhất trong 22 thí sinh tham dự.
 
“Để có được những thành tích như vậy, ngoài năng khiếu và sự nỗ lực không ngừng của bản thân, tôi  còn có may mắn được chính NSND Boris Tevlin - GS danh tiếng của ngành chỉ huy hợp xướng âm nhạc hàn lâm Nhạc viện Tchaikovsky,  kèm cặp hướng dẫn”- Nhật Minh nói.

Nhật Minh đang dự tính thử sức ở một vài cuộc thi quốc tế, bởi với anh, những cuộc thi luôn là những bài học vô giá cho công việc của anh hiện tại.

 

                                                                                     Theo NLĐ

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục