Đồng chí Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng tỉnh giới thiệu với lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành về những hiện vật trưng bày tại Bảo tàng. Ảnh: H.D

Đồng chí Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng tỉnh giới thiệu với lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành về những hiện vật trưng bày tại Bảo tàng. Ảnh: H.D

(HBĐT) - Bảo tàng tỉnh Hòa Bình là đơn vị được thành lập khá sớm. Tiền thân là phòng Bảo tồn, bảo tàng thuộc Ty Văn hóa - Thông tin tỉnh Hòa Bình từ năm 1961.

           

Năm 1976, sát nhập 2 tỉnh Hà Tây, Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình, phòng Bảo tồn, bảo tàng thuộc Ty Văn hóa - Thông tin tỉnh Hòa Bình được sát nhập với phòng Bảo tồn, bảo tàng của Ty Văn hóa Hà Tây thành phòng Bảo tồn, bảo tàng trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Sơn Bình.

 

Đến năm 1990, phòng Bảo tồn, bảo tàng được tách ra thành đơn vị sự nghiệp riêng, mang tên Bảo tàng tổng hợp tỉnh Hà Sơn Bình với hai phòng chức năng: phòng Hành chính Tổng hợp và phòng Nghiệp vụ, trực thuộc  Sở Văn hóa - Thông tin Hà Sơn Bình, trụ sở chính là tầng hai nhà Triển lãm của tỉnh  cạnh Thư viện tổng hợp Hà Sơn Bình.        

 

Tháng 9/1991, cùng với việc chia tách tỉnh, Bảo tàng tỉnh Hòa Bình được tái thành lập, trụ sở đóng ở gác 2 Sở Văn hóa - Thông tin - Thể thao tỉnh Hòa Bình.

 

Được sự quan tâm của tỉnh, năm 1992, trụ sở Bảo tàng mới được khởi công. Đến năm 1995 thì khánh thành, nằm ngay trung tâm tỉnh lỵ, đối diện với Cung Văn hóa tỉnh. Nhà Bảo tàng có kiến trúc khá đặc biệt, theo ý tưởng của các chuyên gia thì ngôi nhà mang dáng dấp của ngôi nhà sàn với nhiều cột lớn, hai tầng, mái được thiết kế giống cánh chim hạc trên mặt trống đồng, trước mặt là ngã ba sang sông Đà, sau lưng tựa vào đồi ông Tượng.

 

Đến tháng 4 năm 2008, theo Quyết định của UBND tỉnh, Bảo tàng tỉnh lại di chuyển về trụ sở cũ ở tạm( ngôi  nhà hai tầng phía sau của Sở VH-TT& DL tỉnh) để chờ dự án mới - Công viên Bảo tàng văn hoá tỉnh, đang triển khai bên khu đồi Ba Vành.  

 

Khi tái lập, tổng số hiện vật được bàn giao từ Bảo tàng tổng hợp Hà Sơn Bình về Bảo tàng tỉnh Hoà Bình là 3.764 tài liệu, hiện vật các loại.

 

Đến nay, sau gần 20 năm tái lập, Bảo tàng tỉnh đã đầu tư không ít cho công tác sưu tầm nên tổng số hiện vật đã được tăng lên thành 11.100 hiện vật. Với nhiều sưu tập hiện vật quý hiếm như: 69 hiện vật trống đồng; sưu tập đồ đồng khác (cồng chiêng, xanh, rìu...) 95 hiện vật; 977 hiện vật gốm cổ; 8.803 hiện vật đá Văn hoá Hoà Bình...    

 

Trong những năm qua, ngoài trưng bày tại trụ sở cơ quan, Bảo tàng tỉnh còn liên tục đẩy mạnh công tác trưng bày lưu động tới các huyện các xã trong tỉnh và vươn ra ngoài các tỉnh bạn như năm 1999 trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam tại Hà Nội, năm 2001 trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, năm 2008 trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên, năm 2009 trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hưng Yên, nhiều năm trưng bày tại Trung tâm Triển lãm Việt Nam, Hội chợ Triển lãm Giảng Võ Hà Nội...

 

Qua thời gian, công tác trưng bày đã từng bước được đổi mới về nội dung cũng như hình thức. Từ công tác trưng bày lưu động, Bảo tàng tỉnh đã mang  bản sắc của miền đất Hoà Bình, con người Hoà Bình đi giao lưu, quảng bá, giới thiệu tại nhiều vùng, miền trên cả nước đem lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng không ít cộng đồng các dân tộc tại các tỉnh mà chúng tôi đã đi qua.

 

Song song với hoạt động về bảo tàng, hoạt động bảo tồn di tích cũng là một lĩnh vực lớn của Bảo tàng tỉnh. Cho tới nay, 291 di tích trong tỉnh đã được điều tra, kiểm kê. Trong đó, 37 di tích tiêu biểu đã được được xếp hạng cấp quốc gia, 20 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Công tác tu bổ, tôn tạo di tích luôn được chú trọng. Từ năm 1995 đến nay, bằng nguồn vốn chống xuống cấp và nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá, Bảo tàng tỉnh đã liên tục tiến hành tu bổ cho 25 di tích. Bên cạnh nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia, một số di tích cũng được tu bổ, tôn tạo bằng nguồn ngân sách tỉnh, các huyện và do nhân dân tự đóng góp. Sau khi được tu bổ, tôn tạo, nhiều di tích đã phát huy giá trị thu hút khách tham quan, đóng góp vào ngân sách tỉnh.

 

Hai năm một lần, Bảo tàng lại tiến hành tổ chức  các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý di tích cho cán bộ quản lý di tích ở cơ sở. Mỗi lớp cũng thu hút được từ 30 - 50 học viên tham gia. Ngoài giảng viên được mời từ lãnh đạo Sở, lãnh đạo phòng PA25 (Công an tỉnh), lần nào mở lớp, lãnh đạo Bảo tàng cũng tham gia giảng bài từ 1-2 chuyên đề. Đến năm 2008, Bảo tàng tỉnh được giao quản lý thêm mảng văn hoá phi vật thể của tỉnh. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên công tác này mới chỉ dừng lại ở điều tra các lễ hội cổ truyền và viết kịch bản phục dựng một số lễ hội như: lễ hội chùa Tiên, Phú Lão (Lạc Thuỷ); lễ hội đền Thượng, thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn); lễ hội Khai hạ (Tân Lạc)...

 

Cũng trong năm 2008, theo kế hoạch liên ngành được ký kết giữa Sở VH-TT&DL, Sở GD&ĐT, Đài PT-TH tỉnh, Tỉnh đoàn, Bảo tàng tỉnh đã liên tiếp tổ chức các đợt tuyên truyền, giới thiệu giá trị các di tích lịch sử cho học sinh các trường phổ thông trong tỉnh.

 

Năm 2011 - điểm nhấn của Bảo tàng tỉnh là năm bận rộn nhất mà cũng là năm thành công nhất của Bảo tàng tỉnh. Kế hoạch công tác dày kín cả năm, là năm được mùa xếp hạng di tích, Một lần nữa, Bảo tàng lại đăng ký thành công 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Thống kê, đề xuất giải pháp bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử đình, đền, chùa, miếu trên địa bàn tỉnh Hoà Bình”. Công việc này đòi hỏi đơn vị phải đầu tư nhiều thời gian, công sức. Để triển khai đề tài, đơn vị đã triển khai điều tra thực địa gần 100 xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

 

Chào mừng lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh (1886 - 2011), 20 năm ngày tái lập tỉnh (1991 - 2011) và Lễ hội Văn hóa cồng chiêng lần thứ nhất năm 2011, Bảo tàng tỉnh đã xây dựng phòng trưng bày với chủ đề “Văn hóa Hòa Bình truyền thống và đương đại”. Ngày 30/9 khai trương phòng trưng bày, liên tiếp trong 4 ngày từ 30/9 tới 3/10 (thời gian diễn ra lễ hội của tỉnh), phòng trưng bày lúc nào cũng đông nghịt khách. Con số khách tham quan trong vòng 4 ngày đó đã lên tới hàng vạn lượt người. Phòng trưng bày được các đồng lãnh đạo và du khách đánh giá khá cao, góp phần không nhỏ vào thành công chung của lễ hội.

 

Những tháng cuối năm là thời gian bận rộn nhất. Cả đơn vị hầu như không có khái niệm thứ bảy, chủ nhật. Chỉ trong vòng gần 3 tháng cuối năm, đơn vị đã hoàn thành nghiên cứu đề tài khoa học với 943 trang viết; tổ chức thành công lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý di tích cho 60 học viên; chuẩn bị nội dung cho 120 trang của cuốn kỷ yếu 50 năm của đơn vị rồi còn lo vận chuyển hơn 11.000 hiện vật và trang thiết bị cơ quan sang trụ sở mới; điều tra viết kịch bản phục dựng lễ hội Mường Thàng Cao Phong... 20 mươi năm nay (từ ngày tách tỉnh) chưa năm nào Bảo tàng tỉnh bận rộn như thế này.

 

Nửa thế kỷ qua, Bảo tàng tỉnh đã có những đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp phát triển văn hóa của tỉnh. Những bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh là những phần thưởng xứng đáng mà các thế hệ CBVC trong Bảo tàng đã đoàn kết phấn đấu, lao động miệt mài cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy vốn di sản văn hóa của tỉnh Hòa Bình.

 

Trải qua bao thăng trầm sáp nhập rồi chia tách của 50 năm. Cho đến hôm nay, với bộ máy tổ chức gồm Ban Giám đốc; 3 phòng chức năng với 19 CBVC, có chức năng, nhiệm vụ: nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày toàn bộ di sản văn hoá các dân tộc tỉnh Hoà Bình; bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh, Bảo tàng tỉnh đã ngày càng vững vàng hơn trên con đường của mình. Từ khi thành lập và đặc biệt trong giai đoạn từ 1991 cho đến nay, thời gian tuy không dài so với sự phát triển của sự nghiệp văn hoá nói chung nhưng đây là quãng thời gian đầy ý nghĩa. Trong thời gian đó, Bảo tàng tỉnh đã đạt được những thành quả rất đáng tự hào, có ý nghĩa đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá của tỉnh. Tiếp bước những thành công ngày hôm nay, trong tương lai với tri thức, sự đam mê nghề nghiệp, chắc chắn, đội ngũ những người làm công tác bảo tồn, bảo tàng sẽ đạt được nhiều thành tích hơn nữa đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn hóa của tỉnh.

 

 

                                                  Nguyễn Thị Thi

                                  Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hòa Bình

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục