Có thể coi việc chủ động tìm hiểu và lý giải về tính dân tộc, tính hiện đại và khảo sát mối quan hệ giữa chúng từ góc nhìn biện chứng - lịch sử là một trong các biểu hiện của các nền văn học - nghệ thuật có khả năng tự ý thức về sự phát triển của chính mình. Ở Việt Nam gần đây, một số vấn đề có liên quan tới tính dân tộc, tính hiện đại của văn học - nghệ thuật cũng đang được đặt ra để thảo luận, và ý kiến của họa sĩ - nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng dưới đây là một thí dụ để chúng ta tham khảo...

 

Dân tộc và hiện đại rất đơn giản nhưng xem chừng khó thực hiện vô cùng. Vì trong quá trình phát triển, một số biểu hiện của văn hóa dân tộc rất khó có thể hiện đại. Như quan họ, chầu văn, tranh dân gian... chẳng hạn, chỉ cần đưa vào chút ít hiện đại là hỏng. Ngược lại, rất nhiều khu vực chỉ hiện đại được mà rất khó dân tộc. Như sự phát triển của công nghiệp ở nông thôn, nhà máy, xí nghiệp, sân "gôn", đi đến đâu là làng mạc cùng phong tục tập quán nảy sinh vấn đề đến đó. Nếu nói dân tộc - hiện đại chủ yếu thể hiện ở phần tâm hồn, các hình thức bên ngoài không quá quan trọng, thì có rất ít tác phẩm có khả năng biểu cảm như thế, như chiếc áo dài của năm 1930 hay hội họa của Nguyễn Tư Nghiêm chẳng hạn. Không kể một bộ phận thanh niên hiện nay như chỉ muốn hiện đại mà không muốn dân tộc nữa. Dường như dân tộc là sự cản trở trong suy nghĩ tâm tưởng của họ, họ không tìm thấy cái hay nào ở đó, và đó chính là điều cần tìm ra gốc rễ nguyên nhân.

Khi nền nghệ thuật phương Tây vào Việt Nam, các họa sĩ Việt Nam nửa đầu thế kỷ rõ ràng muốn dùng ngôn ngữ hội họa phương Tây biểu hiện tâm hồn dân tộc. Tiến lên một bước nữa, họ khai thác trở lại ngôn ngữ nghệ thuật và các chất liệu dân tộc kết hợp với những bài học của các ông thầy Pháp. Sự thành công đã có kết quả tới 50 năm. Sự tìm tòi chủ nghĩa hiện đại (modern art) của các họa sỹ trong 20 năm cuối thế kỷ 20 (1980 - 2000) và kết hợp với văn hóa truyền thống là thành công thứ hai. Song chúng ta đã không đánh giá cao thành công này, khiến đại bộ phận các tác phẩm bị bán ra nước ngoài một cách rẻ mạt.

Không phải không có những thành công trên đường dân tộc và hiện đại, nếu không muốn nói là rất nhiều. Tranh Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí, và những lớp sau như Nguyễn Trung, Nguyễn Quân, Ðặng Xuân Hòa, tượng của Tạ Quang Bạo, Lê Công Thành,... và rất nhiều những nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ kế tiếp nhau. Nhưng rất tiếc, những nhà quản lý văn hóa lại chưa đánh giá đúng mức những thành công đó. Rất ít tác phẩm có tính dân tộc và hiện đại sâu sắc được nằm ở vị trí đúng chỗ của nền văn hóa dân tộc. Thay vào đó, vẫn là những tranh cổ động áp-phích bằng sơn dầu, nông cạn về nội dung và hình thức, trong đó hầu hết các tượng đài chỉ là những tranh cổ động bằng xi-măng. Trong suốt nửa thế kỷ, hầu như không có giao lưu văn hóa với nước ngoài, các nghệ sĩ Việt Nam không hề có nguồn tiếp nối tinh thần nào khác ngoài văn hóa truyền thống. Nên thật phi lý khi chúng ta phải đi tìm mà không thấy những tác phẩm có tính dân tộc và hiện đại cao. Thực ra, những tác phẩm đó khá nhiều, cũng như người tài, người có đạo đức không thiếu, nhưng tiếc thay phần đông đang đứng ngoài cuộc, để nhìn nhiều thanh niên từ chối truyền thống một cách không thương tiếc.

Nền văn hóa phương Tây đã xâm nhập nước ta ít nhất 150 năm nay, nhiều hình thức lúc đầu xa lạ, nhưng rồi từ lâu trở thành bình thường trong xã hội. Thí dụ bộ comple, khiêu vũ, tranh trừu tượng, và gần đây là nghệ thuật thị giác: sắp đặt, trình diễn, video art. Các xã hội phương Ðông dễ chấp nhận khoa học kỹ thuật, nhưng đối với văn hóa thì tùy từng quốc gia, dân tộc và tôn giáo mà mức độ chấp nhận đến đâu. Cuộc đối đầu giữa thế giới Arập và Hồi giáo với văn minh phương Tây có tính lịch sử và được miêu tả kỹ lưỡng trong tác phẩm Lịch sử Trung Ðông 2000 năm trở lại đây của Béc-na Lơ-uýt. Về căn bản, trừ một vài mâu thuẫn cuối thế kỷ 19 đầu 20, xã hội Việt Nam có xu hướng hòa giải với văn minh phương Tây. Tất nhiên trước tiên là kỹ nghệ, sau đó là từng phần văn hóa, nghệ thuật, sự chấp nhận này tiệm tiến cùng với sự phát triển của các đô thị và tầng lớp thị dân. Nhiều bộ phận văn hóa hiện đại từ Trung Quốc, Nga, Pháp, Mỹ đang chồng chéo lên văn hóa Việt Nam hiện nay. Cứ nói rằng hiện đại, nhưng cái gì là hiện đại, hiện đại ở mặt nào, chưa có một lý luận nào xem xét và lý giải.

Văn hóa hiện đại của chúng ta phát triển trên cơ sở du nhập văn hóa Pháp, rồi pha tạp đủ mọi nền văn hóa như trên. Mỗi một bộ phận dân chúng và trí thức có cái cơ sở và quan niệm hiện đại riêng của mình. Ðối với đại bộ phận nông dân, họ không muốn hiện đại để mất hết đồng ruộng, mất hết những làng xã truyền thống, không thích thú nhà máy, sân gôn liền kề và nuốt sống những cánh đồng bờ xôi ruộng mật. Tất nhiên máy cày, máy tuốt, máy xay, máy bơm và điện sinh hoạt là vô cùng ích lợi. Nhưng quan họ, chèo, tranh dân gian, tượng Phật, Truyện Kiều,... vẫn là văn hóa hiện đại của nông dân, họ chưa muốn thay thế bằng tranh khỏa thân, hay truyện Doremon. Âm nhạc, thơ văn tiền chiến, âm nhạc, thơ văn kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, tranh hiện thực và cổ điển được nông dân chấp nhận là văn hóa hiện đại có thể thưởng thức được. Rõ ràng những biểu hiện văn hóa hiện đại đó có xu hướng khai thác truyền thống. Dù có thể còn thiếu những nhãn quan cá nhân và những tác giả tầm cỡ nhân loại. Không có một văn hóa hiện đại chung cho các bộ phận dân tộc, bởi vì mỗi bộ phận, mỗi thế hệ có lợi ích riêng và nhìn nhận riêng về văn hóa. Văn hóa hiện đại là bức tranh nhiều mầu sắc, ở góc này vẫn là 200 năm trước, ở góc kia đã là năm 2010 rồi.

Sự từ chối văn hóa truyền thống đang thấy được ở những nghệ sĩ trẻ. Hoặc là họ không am hiểu nữa, không có cuộc sống làng xã như cha anh. Họ không từng tham gia chiến tranh để bảo vệ xóm làng, không kinh qua thời "bao cấp" gian khó. Nhưng ứng xử của cơ chế hành chính hiện tại khiến họ thiếu tin tưởng vào văn hóa truyền thống. Các di sản văn hóa vật thể vốn nhỏ bé, xuống cấp, lại ngày càng bị biến dạng bởi những sang sửa, không đủ để thuyết phục nghệ sĩ trẻ về ngôn ngữ nghệ thuật. Khi chúng tôi đi dạy học, sinh viên nghệ thuật không hào hứng lắm với môn lịch sử nghệ thuật Việt Nam, khác hẳn so với những năm 1995 trở về trước. Và nếu chúng ta vào nhà hàng Mc Donald, hay Pizza sẽ thấy sự hâm mộ phương Tây đến mức nào. Vấn đề không phải những món ăn ấy ngon hay không, mà nhiều người cảm thấy mình là người Tây khi ăn đồ Tây trong nhà hàng Tây. Thật kỳ quái nhưng là có thật, thậm chí còn nói tiếng Anh ở đó. Ðể ý những cuộc trình diễn thời trang, thi hoa hậu, thấy cả niềm thích thú được trở thành người Tây có văn hóa Tây của cả người dẫn chương trình, ban tổ chức và vai diễn.

Ở bất cứ thời điểm nào, dân tộc cũng có phần quá khứ và phần hiện đại (trong thời của nó). Phần hiện đại của một dân tộc có thể rất mới mẻ với dân tộc này, lại rất lạc hậu so với dân tộc khác. Sự so sánh này chỉ được nhận diện trên bình diện kỹ thuật, thành công về kinh tế và trình độ phát triển dân chủ. Khi cả nhân loại đang phát triển hiện đại thì dân tộc nào cưỡng lại đều khốn đốn, như triều đại Mãn Thanh chẳng hạn. Nhưng cho đến nay, người Bhutan quyết tâm không hiện đại lại đang được coi là mảnh đất hạnh phúc bình yên nhất nhân loại.

Về thực chất, những đất nước dân đông, lại có chiều sâu lịch sử, thì dân tộc - hiện đại là xu hướng lớn. Dù có diễn đạt cách nào khác thì vấn đề cơ bản vẫn như vậy. Không thể từ bỏ và tìm lại những giá trị truyền thống, cũng như cần đoạn tuyệt với những truyền thống có tính cản trở sự phát triển nhân văn. Không thể không hiện đại hóa và tìm cách theo đuổi những mô hình hiện đại nhất, cũng như từ chối những cái hiện đại không thích hợp. Song không phải bao giờ cũng có thể chủ động đến thế, nhất là trong quá trình toàn cầu hóa, bất kỳ điều gì có thể xảy ra ở nơi này cũng có thể xảy ra ở nơi khác, không cưỡng nổi. Sự kiểm soát không còn hữu hiệu ở tầm quốc gia, thí dụ dịch bệnh, suy thoái môi trường, khủng hoảng kinh tế, và tất nhiên sắc thái văn hóa cũng không nằm ngoài quá trình này. Sắc thái văn hóa hiện đại không chỉ hiện diện ở tinh thần, mà là một phần của kinh tế - xã hội. Cái phần đó, nếu không ngày càng chiếm một tỷ lệ lớn trong nền kinh tế quốc gia nói chung, thì vai trò văn hóa của văn hóa là không hữu hiệu. Cái này biểu hiện ở thị trường nghệ thuật phát triển, ở du lịch văn hóa, thị trường sách và tham quan bảo tàng, cũng như các hoạt động thể thao chuyên nghiệp không dựa dẫm vào bao cấp nữa, và ở mức độ chi tiêu cho thông tin tất cả các lĩnh vực. Nghĩa là văn hóa hiện đại là văn hóa gắn với cơ cấu kinh tế, kinh tế và văn hóa là một thể thống nhất của xã hội phát triển, là cơ thể đi bằng đôi chân, nếu một chân yếu, không đi được, tức là phát triển què quặt. Ðiều này thể hiện ở nhiều quốc gia chỉ lo làm giàu mà không phát triển văn hóa, kết quả đất nước bị hủy hoại môi trường sống, biến thành nơi chứa "rác công nghiệp", và ngược lại những sắc tộc co cụm lo giữ văn hóa truyền thống mà không có cơ sở kinh tế bảo đảm cho các sắc thái văn hóa ấy kết quả cũng bị đồng hóa đến mức mất bản sắc. Ở một đất nước có đến 54 dân tộc như nước ta, các sắc tộc ít người có nguy cơ bị biến mất văn hóa truyền thống đang cận kề, và họ có thể chỉ đạt được nửa phương châm dân tộc - hiện đại. Cái mất đầu tiên là ngôn ngữ, như chúng tôi từng thống kê ở một trường văn hóa tỉnh, các em học sinh dân tộc thiểu số chỉ dùng 10% thời gian nói tiếng mẹ đẻ, và tiếng mẹ đẻ cũng pha trộn từ 50 đến 70% tiếng Kinh.

Ở bất cứ đâu, văn hóa cổ điển (nghệ thuật cổ điển nói riêng) và sự hiếu kỳ trong văn hóa cũng hấp dẫn con người và có giá trị thương mại. Nghệ thuật cổ điển có giá trị bất biến nên những ai có tiền đều ưa chuộng, và nhất là những giá trị văn hóa cận đại đang có xu hướng trở thành cổ điển, vì chúng còn gần với người đang sống. Ðó là chủ nghĩa hiện đại (modern art) ở phương Tây, với các đại diện như Van Gogh, Picasso chẳng hạn. Ở nước ta, văn thơ tiền chiến và hội họa của các họa sĩ Trường cao đẳng mỹ thuật Ðông Dương đến nay vẫn được đại bộ phận khán giả hâm mộ. Ngược lại, những biểu hiện mới nhất cũng được chào đón, và dường như có hiện tượng là nếu càng ngăn cấm thì chúng càng được tìm xem. Hai đầu của những biểu hiện văn hóa theo kiểu này thực chất là một mặt của tâm lý con người, rất muốn phiêu lưu mạo hiểm nhưng vẫn bám vào những giá trị ổn định, lấy giá trị ổn định để điều chỉnh những "cái mới" quá khích. Vì thế, vẫn cần định hướng cho sự tự điều chỉnh của tâm lý xã hội, nếu xã hội đó có ước vọng và quyết tâm vươn đến một trình độ phát triển cao, sẽ hình thành mô hình văn hóa dân tộc - hiện đại.

 

                                                                    Theo Nhan Dan

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục