Cố NSND Trọng Khôi có sự nghiệp trải dài trên cả sân khấu lẫn điện ảnh, truyền hình trong suốt hơn 50 năm.

Cố NSND Trọng Khôi có sự nghiệp trải dài trên cả sân khấu lẫn điện ảnh, truyền hình trong suốt hơn 50 năm.

Tâm niệm “vai sau không được trùng với vai trước” đưa ông tới một sự nghiệp nhiều dấu ấn nổi bật trong suốt hơn 50 năm trên cả hai lĩnh vực sân khấu – điện ảnh.

 

Thật khó có thể liệt kê đầy đủ những vai diễn trong suốt sự nghiệp của cố NSND Trọng Khôi. Chỉ biết, tất cả bắt đầu vào năm ông bảy tuổi, bước lên sân khấu của trường tiểu học để diễn vai Lê Lai trong câu chuyện được in trong sách giáo khoa “Lê Lai liều mình cứu chúa” do thầy giáo hướng dẫn.

Từ khoảnh khắc đầu tiên vào năm 1950, ngọn lửa đam mê nghiệp diễn chưa bao giờ thôi cháy bỏng. Bước vào tuổi thất tuần, bị hành hạ bởi bệnh tật, ông vẫn tràn đầy nhiệt tâm với vai đại thần Lê Thái Như trong phim “Huyền sử thiên đô”, vừa phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia. Rồi cả cuốn sách vừa hoàn thành xong bản thảo “Sân khấu và nghiệp diễn” như một cẩm nang ông rút ra từ nhiều năm làm nghề. Và còn rất nhiều vai diễn dang dở…

 

Trên phim trường và sàn diễn, ông hạnh phúc vì được sống những cuộc đời khác của nhân vật. Ông lục tìm trong những trang sách (nhà ông có tới hàng nghìn cuốn sách), quan sát thật kỹ đời sống xung quanh để “dàn dựng” nhân vật trong tâm trí của mình. Như có lần ông chia sẻ trên báo: “Mỗi khi nhận vai diễn mới, tôi thường nghiền ngẫm rất kỹ, liên tưởng xem nó giống nhân vật nào mình đã gặp trong tiểu thuyết, rồi “ăn cắp” nét tính cách đó, biến tấu và sáng tạo cho vai diễn”.

 

Ông nói ông rất tâm đắc điều mà cụ Thế Lữ đã dạy: “Diễn viên có tài phải biết lừa, nghĩa là đã diễn thì không được để khán giả biết ý định của mình là gì. Những cuốn sách cho tôi hiểu một điều: Anh hùng không phải lúc nào cũng hiên ngang, còn kẻ địch không nhất thiết lúc nào cũng phải xấu xa, bần tiện. Kẻ nào ngắm hàng nghìn buổi bình minh mà không nhớ buổi bình minh nào, nhìn hàng nghìn nụ cười mà không giữ lại cho mình nụ cười nào, kẻ đó không thể là nghệ sĩ được”.

 

Ông vui vì khán giả nhớ đến ông nhờ vai diễn, giản dị như kiểu ra đường một người lạ nào đó trên phố nhận ra ông là Nghị Hách (Giông Tố), Trung tá Thi (Huyền thoại về người mẹ), Thiếu tá Khanh (Trừng phạt)…Mỗi vai diễn là một dấu ấn riêng để khán giả chưa bao giờ thôi “chán” ông. Rất nhiều, nhưng xin chỉ liệt kê ra đây một vài vai diễn kèm theo cách mà ông đã sáng tạo ra nhân vật.

 

Cố NSND Trọng Khôi trong vai Nghị Hách của phim “Giông tố”

 

Nghị Hách trong phim “Giông tố” (1991)

 

Trong bộ phim của đạo diễn Nguyễn Mạnh Lãi, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Vũ Trọng Phụng, ông vào vai phản diện Nghị Hách, người đã hiếp dâm cô gái quê xinh đẹp Thị Mịch trước ngày cô lấy chồng. Bước vào ống kính, người đàn ông hồn hậu ngoài đời bỗng lập tức trở thành gã trọc phú dâm ô, khả ố và gian manh. Ông nói về sự hóa thân này trên báo: “Nghị Hách là tên ít học thức, láu cá, lại có máu dê. Lúc đầu, tôi nghĩ mãi không ra cách thể hiện nhân vật. Bỗng một hôm chợt nghĩ Nghị Hách rất giống con dê. Thế là, Nghị Hách có kiểu cười nửa của người, nửa giống tiếng dê kêu”. Tiếng cười nghe như tiếng kêu của con dê, do ông sáng tạo ra, rõ ràng đã mang lại một ấn tượng mạnh mẽ cho bộ phim.

 

Vai anh Hàng thịt trong “Hồn Trương Ba, da Hàng thịt

 

Anh hàng thịt trong kịch “Hồn Trương Ba, da Hàng thịt” (1990)

 

Phải nói đây là một trong những vai diễn thách thức nhất mà nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã tạo ra cho sân khấu Việt dựa trên câu chuyện dân gian. Anh Hàng thịt của cố NSND Trọng Khôi là một người vừa chết, bị anh hàng xóm đã qua đời trước đó là Trương Ba mượn xác để về dương thế sống vui vầy với vợ. Sự việc dẫn tới cơn ghen giữa hai bà vợ khi ai cũng quyết tâm đòi lại chồng trước sân đình. Những giằng xé khi tâm hồn và bản năng của cơ thể không là một được ông thể hiện tài tình qua cử động của nhân vật. Vở kịch được đánh giá là đã đưa sân khấu Việt tiếp cận được sân khấu thế giới, thể hiện qua các chuyến lưu diễn ở nước ngoài và sự tán dương của giới phê bình. Có thể xem đây là một trong những vở kinh điển của sân khấu Việt, do đạo diễn bậc thầy Nguyễn Đình Nghi (người đã khuyên cố NSND Trọng Khôi “đọc 100 trang sách mỗi ngày khi mới vào nghề) dàn dựng.

 

Vua Lia trong kịch “Vua Lia” (1991)

 

Vua Lia là một trong những vở kinh điển của W. Shakespeare được dựng qua rất nhiều phiên bản khác nhau ở nhiều nền văn hóa khác nhau. Bản dựng tại VN do đạo diễn Đình Nghi dàn dựng năm 1991. Trên trang mạng của Nhà hát kịch Việt Nam, nơi ông có gần 20 năm làm phó giám đốc rồi giám đốc, ông kể lại với một người trong cuộc về câu chuyện vào vai vua Lia như sau: “Đang không biết thể hiện làm sao cho ra một ông vua Lia trong cơn bấn loạn tinh thần, thì bỗng loé lên một ý tưởng sáng tạo bắt nguồn từ nguyên mẫu có thật ngay...trước cổng nhà hát. Ngày ấy, trước cổng Nhà hát Kịch Việt Nam có một cậu thanh niên tâm thần hay qua lại ngồi uống nước. Chiếc xe đạp anh ta cắm bao nhiêu cần ăngten râu, bóng đèn cùng vô khối vỏ lon Côca. Trên hai hàng ngực áo gắn loạn xạ các nút chai bia như các loại huy hiệu, huy chương. Đây rồi, hình ảnh vua Lia điên dại của tôi! Tôi tạo ra ngay một Vua Lia tương tự: ngực áo dắt đầy hoa dại như hai hàng huy chương, trên đầu buộc dải dây như vòng nguyệt quế, cài thêm hai chiếc lá vàng to như tai con lừa - một hình tượng đầy tính dân gian, phảng phất hình ảnh Suý Vân giả dại trong chèo cổ. Ngay buổi duyệt đạo diễn đã ưng ý ngay. Khỏi phải nói tôi đắc ý đến thế nào”.

 

 

                                                                    Theo VNN

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục