Chèo thuyền trên hồ - một trong những thú vui của khách du lịch khi đến với vùng hồ Hòa Bình.

Chèo thuyền trên hồ - một trong những thú vui của khách du lịch khi đến với vùng hồ Hòa Bình.

(HBĐT) - Trong những ngày qua, nắng nóng kéo dài gây không khí oi bức, ngột ngạt, nhất là đối với các đô thị lớn. Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, nhiều người dân, nhất là người dân ở Thủ đô Hà Nội đã tìm đến các điểm du lịch của tỉnh ta vừa để thư giãn, xả stress sau những ngày làm việc căng thẳng, vừa để hòa mình vào thiên nhiên, giải nhiệt mùa hè. Địa điểm mà du khách thường tìm đến là vùng hồ Hòa Bình.

 

Cuối tuần, tôi cùng một nhóm bạn đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội ngược núi tìm đến cảng Thung Nai (Cao Phong) để thuê thuyền du ngoạn trên hồ Hòa Bình. Tại đầu bến cảng Thung Nai, chúng tôi gặp khá đông khách du lịch xếp hàng chờ thuyền. Anh Bùi Văn Tiến, một chủ thuyền đang chờ khách chia sẻ: Dịp cuối tuần thường rất đông khách, nếu không đặt thuyền trước thì phải chờ người điều hành bến xếp thuyền. Thường các chủ thuyền đều có vài khách quen, họ sẽ điện thoại trước, đăng ký thời gian, địa điểm, chủ thuyền sẽ chủ động bố trí. Mấy ngày vừa qua nắng nóng, khách du lịch đến với hồ Hòa Bình rất đông. Thường thì khách thuê thuyền đi thăm đền Bờ, một số hang động và dừng chân nghỉ đêm trên các đảo. Hôm sau chủ thuyền quay lại đón trả khách trở về bến.

Anh Trần Thanh Hải, công tác tại Công ty phần mềm điện tử HIQ ở quận Cầu Giấy – Hà Nội tranh thủ 2 ngày nghỉ cuối tuần đưa gia đình lên thăm quan vùng hồ Hòa Bình. Bọn trẻ nhà anh vừa hoàn thành đợt thi cuối năm nên anh thưởng cho chúng bằng kỳ nghỉ ngắn ngày. Anh Hải cho biết: Mấy ngày qua Hà Nội nắng nóng, ngột ngạt quá. Làm việc xong là vội vàng về nhà, không dám ra đường. Thấy bạn bè giới thiệu lên vùng hồ Hòa Bình này vừa được thăm quan những phong cảnh đẹp của núi non, sông nước lại được giải nhiệt với khí hậu tự nhiên, tốt cho sức khỏe. Cũng theo anh Hải, cuộc sống kinh tế bây giờ cũng ổn định nên bạn bè anh và nhiều người Hà Nội thường thu xếp thời gian cuối tuần để đưa gia đình đi thăm quan, nghỉ dưỡng ở những khu sinh thái hoặc những điểm du lịch gần gũi với thiên nhiên. Hòa Bình là một địa chỉ phù hợp vì cách không xa Hà Nội lại có nhiều điểm du lịch sinh thái, văn hóa độc đáo.

Đã từ lâu, vùng hồ Hòa Bình được biết đến là một trong những điểm du lịch lý tưởng, kết hợp nhiều loại hình du lịch như tâm linh, văn hóa, sinh thái, mạo hiểm… Khi dòng sông Đà được ngăn lại để xây dựng công trình thủy điện đã tạo nên hàng trăm đảo lớn, nhỏ với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, sơn thủy hữu tình gắn với các di tích, danh thắng và những huyền thoại lưu truyền trong dân gian cùng cuộc sống đa dạng, đặc sắc về văn hóa, phong tục của đồng bào các dân tộc vùng lòng hồ. Những năm gần đây, các tổ chức, cá nhân đã đầu tư phát triển một số đảo thành địa điểm du lịch sinh thái, văn hóa, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, thăm quan của khách du lịch trên vùng hồ. Có thể kể tên một số điểm du lịch thu hút đông khách như các đảo: dừa, xanh, bè bạn, cối xay gió, lan, quạ… Ông Nguyễn Đình Tuy, chủ đảo Dừa cho biết: Ở những điểm du lịch này, du khách không chỉ được thưởng lãm những phong cảnh hữu tình của sông nước, núi non hùng vĩ mà còn được khám phá, tìm hiểu về phong tục, tập quán, nét đẹp cuộc sống thường nhật của người dân vùng hồ. Đặc biệt là du khách sẽ được thưởng thức những món ăn độc đáo mang đậm bản sắc địa phương như:  măng rừng, cá, rau rừng, lợn, gà, vịt nuôi thả tự nhiên… Nếu muốn, du khách có thể đi chợ hoặc vào vườn hái rau, chèo thuyền câu cá và vào bếp để tự tay chế biến những món ăn bản địa ưa thích. Đặc biệt là trong thời điểm nắng nóng như thế này, đảo cũng bố trí những điểm tắm an toàn trên sông để du khách bơi lội, giải nhiệt mùa hè.

Ngoài những đảo sinh thái, du khách sẽ đến thăm và chìm đắm trong cõi tâm linh của đền Bờ, nghe chủ đền kể câu chuyện về 2 người phụ nữ Mường, Dao đã giúp vua Lê Lợi về quân lương, thuyền mảng vượt thác Bờ tiến quân lên Mường Lễ, Sơn La dẹp loạn Đèo Cát Hãn. Nếu có thời gian, du khách sẽ tìm đến các hang động với những khối nhũ đá tự nhiên tạo nên nhiều hình thù độc đáo của động thác Bờ, động Hoa Tiên hoặc du khách sẽ lựa chọn vào thăm những bản làng của người Mường, Tày, Dao ven hồ để xin ở lại và cùng trải nghiệm cuộc sống với người dân bản địa.

Sau thời gian 2 ngày, 1 đêm thăm quan, khám phá, nghỉ dưỡng trên các điểm du lịch của vùng hồ Hòa Bình, anh Hải chia sẻ: Với khoảng thời gian ngắn như vậy nhưng gia đình tôi đã có một kỳ nghỉ khá thú vị, không khí ở vùng hồ rất trong lành và mát mẻ. Điều quan trọng hơn cả là bọn trẻ nhà tôi có cơ hội tìm hiểu thực tiễn về cuộc sống, nét sinh hoạt, phong tục, tập quán văn hóa người dân tộc sinh sống trên vùng hồ, tận mắt chứng kiến, tận tay sờ nắm những dụng cụ lao động, sản xuất của người dân mà trước đây chúng chỉ được biết qua sách, vở.

Chia tay gia đình anh Hải và những người bạn, tôi vẫn còn nhớ những cảm xúc chân thành của anh: Chiều xuống, hoàng hôn trên vùng hồ sông Đà rực nắng, mặt trời khuất dần sau những rặng núi tím sẫm, không gian trong lành, mát mẻ, những gợn sóng nước lăn tăn. Sớm mai, bình minh lại khẽ khàng đánh thức bằng tiếng chim chóc lích rích, tiếng gió thổi vi vu… Những thanh âm cuộc sống của vùng hồ Hòa Bình sẽ là trải nghiệm thú vị, gieo vào lòng mỗi du khách những cảm xúc êm dịu, bình an.

 

 

Ngọc Vinh

 

 

Các tin khác


Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu sách trong cộng đồng

Do tác động của công nghệ thông tin, mạng internet, các thiết bị điện tử nên đã ảnh hưởng đến việc đọc của thế hệ trẻ, lấn át văn hóa đọc truyền thống. Sau khi có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã chung tay đẩy mạnh phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trở thành hoạt động lớn trong tháng Tư hằng năm nhằm tôn vinh giá trị của sách trong cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục