Những ngôi nhà sàn hơn 20 năm tuổi như nhà bác Bùi Văn Cổn trong xóm chỉ còn lại 30%.

Những ngôi nhà sàn hơn 20 năm tuổi như nhà bác Bùi Văn Cổn trong xóm chỉ còn lại 30%.

(HBĐT) - Lạc Sỹ là xã khó khăn của huyện Yên Thủy, cách trung tâm huyện 20km, đường vào xã xa xôi nhưng may mắn cho chúng tôi, giờ đây các tuyến đường vào xã đều được trải nhựa, bê tông. Là xóm xa xôi nhất của vùng đất Lạc Sỹ, xóm Thấu từ lâu đã được mọi người biết đến là nơi còn lưu giữ được phần lớn những nét văn hóa của người Mường.

 

Người dân xóm Thấu sống mộc mạc, giản dị bên những ngôi  nhà sàn và đồng ruộng với công việc chủ yếu làm nông nghiệp, trồng ngô, trồng lúa. Khung cảnh làng quê yên bình. Đón chúng tôi ở đầu xóm là anh Bùi Văn Đăng, công an viên của xóm. Anh Đăng hồ hởi với chúng tôi: “Xóm có hơn 60 hộ dân, 100%  là dân tộc Mường. Người dân ở đây vẫn sống ở nhà sàn, mọi sinh hoạt đều trên đó hết”. Để giới thiệu rõ hơn về xóm, anh dẫn chúng tôi đến nhà bác Bùi Văn Cổn, người có ngôi nhà sàn cổ nhất làng. Vừa rót chén trà mời khách, bác vừa kể: “Ngôi nhà này từ hồi ông tôi để lại, đã được mấy chục năm rồi, nhìn mấy tấm gỗ đã mục là biết. Nhà này tôi chưa sửa bao giờ, gần đây, căn nhà cũng được đoàn sản xuất bộ phim “Khi đàn chim trở về” lấy bối cảnh để quay”. Một nét đẹp không thể bỏ qua, đó là rừng cọ. Nhà nhà đều trồng cọ. Người dân nơi đây trồng cọ để lấy lá lợp mái nhà, bên cạnh đó, lá cọ tạo cho khung cảnh nên thơ cho vùng đất còn hoang sơ này. Ở đây, hàng năm, các lễ hội truyền thống của người Mường vẫn được tổ chức đều đặn. Đặc biệt hơn, trong xóm có cây đa cổ thụ, mọc xanh tốt hơn trăm năm nay, người dân nơi đây coi cây đa là biểu tượng trường tồn của vùng đất quê mình. Ngay cạnh cây đa là một ngôi miếu nhỏ để người dân hàng năm đến tổ chức lễ khai hạ, làm mâm cơm mang lên dâng thần linh, với mong ước, thần linh phù hộ cho một mùa màng bội thu, đời sống người dân được thuận lợi, không ốm đau bệnh tật.

 

Trên những yếu tố sẵn có, những chất liệu tự nhiên của bản người Mường nơi đây là những cái đáng quý nhất để phát triển dịch vụ du lịch văn hóa cộng đồng. Nhưng, làm sao có thể phát huy được những yếu tố có sẵn để phát triển thành khu du lịch, xóm Thấu cần được đầu tư, trang bị cho mình thêm nhiều yếu tố khác. Trải lòng với chúng tôi. Bác Bùi Văn Cổn cho biết: “Cũng nhiều lần nghe nói là chính quyền sẽ đầu tư phát triển du lịch ở nơi đây, nhưng chưa hề có văn bản gì chỉ đạo, nếu để lâu quá, người dân cũng không thể chờ đợi mãi. Cuộc sống người dân nơi đây ngày một thay đổi, để lưu giữ được những nét người Mường xưa, người dân cần biết những kế hoạch phát triển cụ thể, hay cần có những hỗ trợ, đầu tư của chính quyền để người dân có điều kiện đảm bảo cuộc sống. Ví như nếu nói người dân không được xây nhà gạch, cần lưu giữ nét nhà sàn truyền thống là khó với chúng tôi, vì chúng tôi không được hỗ trợ kinh phí để phục vụ việc sửa chữa, bảo tồn nhà”. Hiện nay, nhà sàn thì còn đến 99,9% nhưng để nói đến nhà hơn 20 năm thì chỉ còn 30%, nhiều nhà đã xây cột bằng bê tông. Hơn nữa, việc lễ tết, cưới hỏi, theo người dân nơi đây đều đã tổ chức giống người miền xuôi. Điều mà người dân nơi đây còn trăn trở đó là vấn đề nước sinh hoạt. Là vùng khó khăn xa xôi, nước sinh hoạt chưa đảm bảo chất lượng, nguồn nước bị nhiễm phèn nên người dân không thể đào giếng để dùng, nhọc nhằn bao năm qua, người dân phải nối ống nước tận trên núi cao lấy nước về dùng. Trong khi, nước sinh hoạt là yếu tố không thể thiếu để phát triển du lịch.

 

Anh Bùi Văn Đăng kể với chúng tôi: “Một điều đáng mừng là cách đây gần tháng có đoàn trên tỉnh về dạy múa hát truyền thống, đánh cồng chiêng cho bà con trong xóm, chúng tôi cũng nghe nói chính quyền đang có dự định khôi phục lại ngôi đình của xóm”. Đó là những dấu hiệu tích cực của các ban, ngành đối với việc đầu tư bảo tồn các nét văn hóa truyền thống xóm Thấu. Mong rằng, các cấp, ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương cần có những chính sách, giải pháp cụ thể thống nhất hành động để lưu giữ những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc. Bao đời làm nông trên mảnh đất này, hàng năm, người dân nơi đây vẫn mong một ngày nào đó, xóm Thấu này sẽ được đầu tư phát triển thành một khu du lịch văn hóa. Để người dân có điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho gia đình mình.

 

                                                        Nguyễn Tuyết (CTV)

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục