Nhạc sỹ Phạm Tuyên.

Nhạc sỹ Phạm Tuyên.

Có người biết đến ông là nhạc sĩ của thiếu nhi, có người lại biết ông với những ca khúc trữ tình đằm thắm, có người lại bảo ông là “nhạc sĩ của các ngành” bởi ông có nhiều “ca khúc ngành”... Tất cả đều đúng nhưng chưa đủ. Với hơn 600 tác phẩm, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã “đánh dấu” tên tuổi mình trong lòng người yêu nhạc như một bản nhạc đa âm...

Tác giả của những ca khúc “sống mãi với thời gian”


Tôi nhớ, hồi còn đi học, trong lễ khai giảng hoặc bế giảng, năm nào chúng tôi cũng đều hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Lời bài hát đã in sâu vào trí nhớ, quen thuộc đến nỗi không cần phải học cũng có thể hát trơn tru, háo hức.


35 năm sau ngày bài hát ra đời, mỗi người Việt Nam vẫn nô nức hát “như có Bác trong ngày vui đại thắng”. Bài hát chỉ có vài câu đơn sơ và giản dị nhưng lại là tiếng reo vui của cả dân tộc vì thế nó có sức sống mãnh liệt trong lòng công chúng và vượt qua được sự quên lãng khắc nghiệt của thời gian.


Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể lại ông đã hoàn thành bài hát nổi tiếng này trong những giây phút xuất thần của một công dân trước niềm tin đất nước sẽ được giải phóng: “Tôi viết bài hát này trong hai tiếng trong ngày 28-4-1975, ngay sau bản tin cuối cùng của Đài Tiếng Nói Việt Nam báo tin phi công Nguyễn Thành Chung ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Đất nước sắp giải phóng rồi”.


Khi đó, ông đang làm ở ban biên tập âm nhạc của ĐTNVN và đã có những ca khúc được nhiều người yêu thích. Nhưng đến bài hát này, đã đánh dấu một bước thành công lớn trong cuộc đời sáng tác của ông: Năm 1985, Chính phủ quyết định tặng Huân chương lao động cho bài hát. Tuy vậy đối với ông phần thưởng lớn nhất đối với ông không phải là những giải thưởng, là những bằng khen hay những tấm huy chương mà là sự yêu thích của công chúng. “Công chúng và thời gian là hai vị giám khảo công tâm nhất”, ông nói vậy.


Cho đến tận hôm nay, mỗi khi bài hát ấy vang lên ở đâu đó, trong lòng ông vẫn vẹn nguyên cảm xúc của ngày chiến thắng năm nào. Bài hát này cũng như một nốt son của lịch sử trong cuốn “biên niên sử” bằng âm nhạc của Phạm Tuyên, kể từ khi ông viết ca khúc đầu tiên “Vào lục quân” khi đang học ở trường sĩ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn.


Âm nhạc gắn kết với cuộc đời và lịch sử. Mỗi bài hát là một kỷ niệm trong cuộc đời ông, cũng ghi dấu một giai đoạn của đất nước. Ông kể: “Cuối năm 1976, đầu năm 1977, sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, chúng tôi thực hiện một chuyến xuyên Việt từ Hà Nội vào đến đất mũi Cà Mau. Lần đầu tiên vào thăm Sài Gòn tự do, tôi thấy ngạc nhiên vô cùng khi ở đấy đang chan hòa nắng, nắng vàng rực rỡ khắp nơi trong khi ở miền Bắc thì đang có gió mùa đông bắc, cái rét ngọt cắt da cắt thịt của mùa đông Hà Nội. Có nơi nào kì lạ như ở đất nước mình không? Ở hai miền khác nhau có 2 kiểu thời tiết khác nhau, thú vị quá! Thế là tôi viết bài “Gửi nắng cho em”, muốn gửi cho miền Bắc chút nắng ấm Phương Nam, để hai miền được giao thoa trong niềm vui của tự do, của đất trời”.


Những ca từ đẹp của “Gửi nắng cho em” đến bây giờ vẫn được ngân vang và trở nên quen thuộc trong lòng công chúng từ Nam ra Bắc. Vậy mà nó đã từng bị cấm trong hơn 3 năm trời: “Bài hát này bị cấm từ năm 1979 vì có ai đó cho rằng nó ủy mị, đất nước vừa giải phóng mà Phạm Tuyên đã bị thực dân mua chuộc, tại sao phải gửi “nắng” từ Sài Gòn ra Hà Nội? chả nhẽ ở Hà Nội không có “nắng” à? Gửi “nắng” hay gửi những tư tưởng của thực dân?” Nhưng Phạm Tuyên không ủy mị, “nắng” mà Phạm Tuyên muốn gửi là cái nắng ấm áp của đất phương Nam xuất phát từ cái tâm trong sáng của một người cách mạng biết yêu thương, biết chia sẻ. Đêm giao thừa năm 1982, ca sĩ Ngọc Tân đã hát ca khúc này bằng tất cả tình cảm của mình nó như một sự “minh oan” cho bài hát cũng như chính tác giả.


Phạm Tuyên là vậy, chân thành, giản dị và rất lạc quan dù ở trong bất kì hoàn cảnh nào. Nụ cười và niềm tin luôn là người bạn đồng hành của ông, là hành trang ông mang theo suốt cuộc đời và là cảm xúc bao trùm trong các nhạc phẩm của ông.


Hoàn cảnh xuất thân của ông khác với phần nhiều các nhạc sĩ thời bấy giờ:“Nhạc sĩ Phạm Tuyên là người con thứ 9 của ông chủ bút báo Nam Phong Phạm Quỳnh. Phạm Tuyên có một tuổi thơ đầy đủ và hạnh phúc. Ngôi nhà thơ ấu của ông nằm gần chợ hàng Da, cạnh rạp hát Olympia (nay là rạp Hồng Hà thuộc nhà hát tuồng Trung ương), nơi mà các nhạc sĩ thời kỳ đầu tân nhạc Trần Ngọc Quang, Đặng Thế Phong... từng đến giới thiệu tác phẩm mới.


Năm lên 6 tuổi, Phạm Tuyên cùng gia đình vào Huế, ở tại biệt thự Hoa Đường - có khuôn viên hoa lá xanh tươi bên bờ sông An Cựu. Ông bắt đầu học âm nhạc với thầy Phán bằng các bản cổ nhạc Lưu Thủy, Kim Tiền, Xuân Phong, Long Hổ, Tứ Đại Cảnh qua cây đàn Nguyệt. Vào Quốc học Huế, Phạm Tuyên bắt đầu học nhạc lý phương Tây, học accordeon và gita để chơi trong ban nhạc cùng bạn Nguyễn Tăng Hích (nhạc sĩ Trần Hòan sau này). Hồi đó, ông còn có một niềm đam mê là dịch lời các ca khúc nổi tiếng ra tiếng Việt. Nhưng phải đến khi trở thành “Anh bộ đội cụ Hồ” năm 1949, năng khiếu âm nhạc của Phạm Tuyên mới thật sự bừng phát với tác phẩm đầu tiên của đời lính “Vào lục quân”, rồi sau đó là “Đường về trại”, “Đây khóa chuẩn bị tổng phản công”.


Từ sau đó, ở mỗi giai đoạn lịch sử, ông đều có những ca khúc “găm” được vào trí nhớ của công chúng, những ca khúc “sống mãi với thời gian”, bởi ông viết chúng bằng tài năng, bằng niềm đam mê và bằng chính bản thân ông như một người trong cuộc: “Đảng đã cho ta cả một mùa xuân. Bài ca những người thợ mỏ. Chiếc gậy Trường Sơn. Những cánh chim Hồng Gấm. Từ Làng Sen...”.


Tôi vẫn còn nợ công chúng


Không chỉ nổi tiếng với những ca khúc viết cho người lớn, Nhạc sĩ Phạm Tuyên còn là một nhạc sĩ của thiếu nhi. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nhận xét: “Phạm Tuyên là một đại thụ có rất nhiều cành, nhiều nhánh, mà nhánh nào cũng vạm vỡ, sum suê. Một trong những nhánh tươi nõn ấy, ông dành hiến dâng cho con trẻ”.


Có lẽ những tháng ngày làm đại đội trưởng đại đội thiếu sinh quân bé nhất của Trường Thiếu sinh quân Việt Nam ở Thái Nguyên (ngay sau khi tốt nghiệp trường sĩ quan Lục quân) đã khởi nguồn cho ông gắn bó với mảng đề tài những ca khúc viết cho thiếu nhi. Ông hiểu thiếu nhi, ông yêu mến thiếu nhi và ông có thể chia sẻ được với các em những niềm vui, sự yêu đời hồn nhiên trong trẻo trong những ca khúc của mình.


Khi bắt đầu biết hát là các em bắt đầu biết đến “Bác” Phạm Tuyên qua những “Chiếc đèn ông sao”, “Em làm trực nhật”, “Tiến lên đoàn viên”.... Ông tâm sự: “Hiện nay, các nhạc sĩ trẻ rất ít viết cho thiếu nhi. Có lẽ là do 2 lý do. Một là viết cho thiếu nhi thường khó nổi tiếng. Hai là viết cho thiếu nhi tưởng là dễ nhưng thực tế lại rất khó. Âm nhạc cho thiếu nhi khó viết vì ngòai tính nghệ thuật, nó còn phải mang nặng tính giáo dục hơn âm nhạc cho người lớn.


Nói về kỷ niệm bài “Chú voi con ở Bản Đôn”, ông cho biết: “Năm đó tôi đến thăm bản Đôn để viết một bài hát về Tây Nguyên. Tôi định đi tìm để viết về những chú voi đã giúp đỡ dân bản chống Mỹ. Nhưng tìm khắp cả bản chẳng thấy con voi lớn nào, tự nhiên tôi nhìn thấy một chú voi con đang nghịch cái đuôi bé xíu rồi chạy nhảy tung tăng... Và bài hát “Chú voi con ở Bản Đôn” xuất hiện cũng tự nhiên như thế...”. Bài hát ấy đã được hết thế hệ thiếu nhi này đến thế hệ thiếu nhi khác thuộc lòng, cũng như rất nhiều những giai điệu hồn nhiên, trong sáng khác của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Và cũng vì thế mà, dù đã 80 tuổi, ông mãi mãi là “Bác Phạm Tuyên” trong lòng các em nhỏ.


Tuy tuổi đã cao, nhưng tình yêu và đam mê với âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Tuyên chưa bao giờ vơi cạn. Hiện nay, ông đang giúp Hội Nhạc sĩ dàn dựng chương trình ca nhạc chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.


Ông dự định sẽ cho in đĩa bao gồm một loạt các bài hát về Hà Nội (một đĩa cho người lớn và một đĩa cho trẻ em (lúc nào ông cũng quan tâm tới thiếu niên, nhi đồng): “Hà Nội là địa danh có nhiều bài hát hay nhất, không chỉ trong cả nước mà trên toàn thế giới cũng không có thành phố nào sánh kịp. Tôi muốn tập hợp những bài hát hay của Hà Nội, in thành đĩa để giới thiệu với tất cả mọi người về Thủ đô nghìn năm văn hiến, để biến “âm nhạc thành niềm vui, nguồn động viên cho mọi người, làm yên làng xóm”. Nghe nhiều những bài hát ấy, người ta sẽ thêm yêu và tự hào hơn về Thủ đô của mình”.


Trong ông luôn chất chứa nhiều dự định, muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho công chúng, cho nền âm nhạc nước nhà nhưng “quỹ thời gian của tôi còn quá ít. Tôi thấy mình nợ xã hội nhiều quá”.
 
                                                                             Theo Báo Nhandan


Các tin khác


Khai mạc những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tối 3/5, tại Hà Nội, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Lễ khai mạc "Những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục