Như đã đưa tin, tối nay 14.1, tại Nhà hát Lớn Hà Nội diễn ra buổi công chiếu vở nhạc vũ kịch “Người đi qua thung lũng”. Đây không chỉ là sản phẩm nghệ thuật có sự kết hợp của nhiều nghệ sĩ đến từ các nước như Đức, Áo, Việt Nam mà còn là sự đánh dấu cho những hợp tác về văn hóa đầy tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Đức.

 

Phóng viên Laodong.com.vn đã có dịp trò chuyện với người viết lời thoại chính cho vở diễn “Người đi qua thung lũng” – nhà văn người Đức nổi tiếng thế giới Tankred Dorst nhân dịp ông sang Việt Nam dự buổi công diễn tác phẩm của mình. Ông cũng đã chia sẻ nhiều điều về cốt truyện trong vở nhạc vũ kịch và quá trình hình thành tác phẩm này.

Tankred Dorst là nhà văn người Đức nổi tiếng trên thế giới. Ông sinh năm 1925 ở Sonneberg thuộc bang Thuringen (Đức). Ông là thành viên của một số học viện khoa học danh tiếng và đã từng nhận được nhiều giải thưởng cho sự nghiệp văn chương của mình, như “Giải Georg Buchner” năm 1990, “Giải sân khấu của Viện sân khấu Quốc tế ITI” năm 1994, “Giải Văn học Châu Âu” năm 2009 và “Giải Schiller” năm 2010… Năm 1992, ông là thành viên đồng sáng lập Liên hoan sân khấu mang tên Bonner Biennale và từ đó tham gia Ban lãnh đạo nghệ thuật của liên hoan sân khấu này…

- Chào ông, trước tiên xin ông có thể giới thiệu qua một vài điều về nội dung của vở nhạc vũ kịch “Người đi qua thung lũng” được không?

Trong câu chuyện, cậu bé Parzival từ cuộc sống trong rừng rậm với mẹ đã bước ra thế giới bên ngoài như một cuộc hành trình đi tìm lại chính mình. Xuất phát từ kí ức đau thương – chồng hi sinh trong chiến tranh mà bà mẹ của chàng là Herzeloide đã tìm cách để Parzival tránh khỏi hiểm họa, thất vọng và chiến tranh, chết chóc, bà đã cách li không cho con trai của mình tiếp xúc với xã hội loài người.

 Ảnh chụp trong buổi tổng duyệt vở nhạc kịch (Ảnh: T.Anh)
Ảnh chụp trong buổi tổng duyệt vở nhạc kịch (Ảnh: T.Anh)

Nhưng cũng chính tình cảnh cô đơn đã khiến Parzival không được học cách yêu thương, không học phân biệt thế nào là đúng và sai. Khi được biết cha mình từng là chiến binh, nó muốn theo đuổi lý tưởng đó và tiến vào con đường phiêu lưu. Và cuộc tìm kiếm ấy đã để lại bao hoang tàn, đau thương và chết chóc. Rồi dần dần Parzival hiểu ra rằng sự hủy hoại mù quáng chẳng đưa nó tới đích. Chỉ đến khi chàng trai biết thương cảm với chính mình và những người khác, nhận ra tính người trong mình và xã hội xung quanh, lúc đó, con đường mới rộng mở và đưa Parzival đến với Blanchefleur (Bông Huệ trắng) – người phụ nữ mà anh yêu say đắm.

- Vậy thông điệp mà ông muốn gửi gắm khi viết vở diễn này là gì, thưa ông?

Thông điệp gửi qua tác phẩm là quá trình “đi qua thung lũng” của một con người, một chàng trai trẻ từ chỗ không hiểu biết và hoàn toàn xa lạ với yêu thương cho đến khi trở thành một con người sống có tình cảm, sự thương yêu, đùm bọc trước hết là với đồng loại của mình.

Trải qua nhiều biến cố của cuộc sống, con người càng trưởng thành hơn, càng biết cái gì nên làm và không nên làm đối với những gì đang xảy ra xung quanh mình. Câu chuyện có vẻ không mới nhưng tôi tin nó sẽ lay động tới trái tim của nhiều người xem, nhất là với những người trẻ.

Chân dung nhà văn Tankred Dorst.
Chân dung nhà văn Tankred Dorst.

- Ông đã viết nhiều tác phẩm văn xuôi và sân khấu với Parzival. Điều gì đã lôi cuốn ông ở nhân vật Parzival và thế giới của anh ta?

Sự tích Parzival là một câu chuyện hoàn chỉnh thể hiện hoàn toàn trong tác phẩm “Merlin hay là miền đất hoang”. Sau đó tôi đã lấy tư liệu từ đó và phát triển thêm thành nhiều dự án sân khấu. “Người đi qua thung lũng” là một dự án mới được phát triển từ chất liệu này.

Parzival rất quen thuộc với tôi trong thời thơ ấu và nhân vật này luôn luôn lôi cuốn tôi. Bạn có tin không, khi còn nhỏ tôi với thanh kiếm gỗ trong tay, chạy vào rừng chiến đấu với những bụi cây và từng nghĩ, mình là một kị sĩ gan dạ. Nghe có vẻ nực cười nhưng đó là sự thật. Những câu chuyện không có thực vẫn thường hấp dẫn con người, thật lạ là khi họ đang sống trong một thế giới rất thực.

- Khi mang Parzival đến Việt Nam, ông trông đợi nhất điều gì?

Tôi hồi hộp chờ đợi xem khán giả Việt Nam sẽ tiếp nhận các yếu tố truyền thống và truyền thuyết hoàn toàn khác biệt về câu chuyện này ra sao, có thể sẽ là sự khám phá ra cái mới ngay trong bản thân mình khi quan sát các yếu tố xa lạ. Không phải rất tuyệt sao, khi trong dự án này có sự hợp tác giữa các nghệ sĩ múa, diễn viên, nhạc công người Việt Nam cùng các nghệ sĩ Châu Âu, một nhà soạn nhạc và một nữ đạo diễn Đức? Tôi rất hồi hộp chờ đợi thành quả của nó.

Nhà văn Đức Tankred Dorst sang Việt Nam cùng vợ của mình dự buổi công diễn vở nhạc vũ kịch.
Nhà văn Đức Tankred Dorst sang Việt Nam cùng vợ của mình dự buổi công diễn vở nhạc vũ kịch.

- Khi sang Việt Nam và theo dõi các diễn viên, nghệ sĩ Việt Nam tập luyện vở kịch, ông đánh giá như thế nào về sự thành công của vở diễn thông qua các diễn viên người Việt Nam?

Thú thật mà nói là tôi không thể đánh giá được hết sự thành công của vở kịch, vì như bạn biết đấy, ngoài phần lời hát bằng tiếng Đức thì lời thoại hoàn toàn bằng tiếng Việt. Điều đó tạo cho tôi một chút khó khăn để cảm nhận hết được sự thành công của vở diễn.

Nhưng tôi đánh giá rất cao khả năng vũ đạo của các nghệ sĩ múa Việt Nam, tôi có thể cảm nhận một phần tác phẩm của mình thông qua nét mặt, điệu múa uyển chuyển của họ. Tôi nghĩ, hơn ai hết, những diễn viên tham gia trực tiếp vào vở diễn này sẽ là người đánh giá được những thành công của nó so với những gì mà họ đã nỗ lực thể hiện.

Tôi nghĩ chính sự hòa lẫn đó làm cho vở kịch trở nên thú vị, và điều thú vị đó cũng sẽ đến với khán giả khi xem xong buổi biểu diễn tối nay.

- Một câu hỏi ngoài lề, đây là lần thứ mấy ông sang Việt Nam? Và ông có ấn tượng như thế nào về đất nước chúng tôi?

Đây là lần đầu tiên tôi sang Việt Nam, tôi mới chỉ ở Việt Nam ba ngày hôm nay thôi. Ấn tượng của tôi về đất nước các bạn, có lẽ là nhiều sự trải nghiệm. Ví dụ là chỉ cần đi ra ngoài phố thôi, cũng có rất nhiều câu chuyện thú vị đọng lại. Tất nhiên là ra phố ở Việt Nam thì cũng hơi… nguy hiểm (cười).

- Sau “Người đi qua thung lũng”, liệu ông có dự định nào khác để hợp tác cùng các nghệ sĩ, diễn viên người Việt Nam không?

Tôi nghĩ rằng mọi sự kết hợp đều thú vị. Nó giúp chúng ta nhận ra những giá trị tinh thần khác mà đôi khi trong một hoàn cảnh, một phạm vi cụ thể chúng ta không thể nhận ra được. Sau vở nhạc vũ kịch này thì tôi chưa thể nói trước về một dự định nào, vì nó còn phù thuộc nhiều phía. Hi vọng là sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa để tôi có thể hợp tác với các nghệ sĩ Việt Nam.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!

 

                                                                                  Theo LaoDong

 

 

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục