Hôm qua (16-8), Hội Âm nhạc Hà Nội đã có Công văn số 73 gửi Vụ Thi đua - Khen thưởng (Bộ VH,TT&DL) về việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Phạm Tuyên. Đây là công văn thứ 4 của Hội gửi các cơ quan liên quan về vấn đề này… Và dường như câu chuyện giải thưởng, danh hiệu của Nhà nước trao tặng cho các nghệ sĩ đang có những vấn đề thực sự…

 

Câu chuyện của nhạc sĩ Phạm Tuyên và Bùi Công Duy


Trao đổi với Hànộimới sáng qua (16-8) trong khi đang chuẩn bị công văn gửi Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ VH,TT&DL, nhạc sĩ Hồ Quang Bình, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội đã nêu rõ một số điểm mà ông cho rằng Bộ VH,TT&DL trả lời chưa thỏa đáng với trường hợp nhạc sĩ Phạm Tuyên. Trước hết, việc Hội Âm nhạc Hà Nội gửi công văn đề nghị Hội đồng các cấp xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Phạm Tuyên là xuất phát từ sự trân trọng những cống hiến của nhạc sĩ, thể hiện tiếng nói chính thức của Hội chuyên ngành đối với trường hợp nhạc sĩ Phạm Tuyên, chứ không phải là hồ sơ. Quan trọng hơn, công văn trả lời duy nhất của Vụ Thi đua - Khen thưởng (Bộ VH,TT&DL) gửi Hội Âm nhạc Hà Nội là quá muộn (đề ngày 11-8-2011) sau 6 tháng kể từ công văn thứ nhất do Hội Âm nhạc Hà Nội gửi cơ quan này vào ngày 15-2-2011.

Nhạc sĩ Hồ Quang Bình nhấn mạnh: "Nếu có tinh thần trách nhiệm, có sự trân trọng đối với cống hiến lớn lao của nhạc sĩ Phạm Tuyên thì Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ VH,TT&DL phải có trả lời sớm hơn, để nhạc sĩ Phạm Tuyên có thể kịp thời gửi hồ sơ theo đúng thủ tục. Đằng này, công văn trả lời lại đến sau khi đã có danh sách của Hội đồng cấp Bộ trình Hội đồng cấp Nhà nước.

Thực tế, những cống hiến của nhạc sĩ Phạm Tuyên cho nền âm nhạc nước nhà là rất đáng trân trọng. Với hơn 60 năm tham gia cách mạng, ông đã viết hơn 700 ca khúc cho mọi đối tượng, được nhớ và được hát khắp nơi. Vì thế, trong cuộc họp báo của Bộ VH,TT&DL về công tác xét tặng giải thưởng, danh hiệu về văn học nghệ thuật, nhiều nhà báo đặt câu hỏi tại sao nhạc sĩ Phạm Tuyên không có tên trong danh sách Giải thưởng Hồ Chí Minh? Bên cạnh đó là trường hợp nghệ sĩ violin Bùi Công Duy cũng "trượt" danh hiệu NSƯT với lý do không đạt 100% số phiếu của Hội đồng xét đặc cách danh hiệu NSƯT. Về trường hợp này, nhạc sĩ Hồ Quang Bình cho rằng: "Lý do về việc một số ủy viên Hội đồng xét đặc cách không bỏ phiếu cho Bùi Công Duy vì anh chưa đủ thời gian công tác là rất cứng nhắc".

Trong bối cảnh đơn, thư kiến nghị về giải thưởng, danh hiệu vẫn tiếp tục được gửi đến các cơ quan liên quan, xin được nêu chi tiết về trường hợp hai nghệ sĩ nổi tiếng trên để có thể cùng nhìn rõ một số vấn đề trong công tác xét giải thưởng, danh hiệu do Nhà nước trao tặng hiện nay.
 
Giải thưởng là xin - cho hay trao tặng?

Việc xét tặng giải thưởng, danh hiệu nói trên căn cứ vào Thông tư 03/2010 và 06/2010 của Bộ VH,TT&DL. Trong đó có những quy định khá cụ thể về quy trình thủ tục… Nhưng thực tế, nhiều quy định không được thực hiện đúng và có cả những quy định "thách thức" sự công tâm, trách nhiệm của những người làm công tác này. Các thông tư nêu rõ đơn vị cơ sở có trách nhiệm giới thiệu, hướng dẫn nghệ sĩ làm hồ sơ… Khi Hội Âm nhạc Hà Nội gửi công văn trường hợp nhạc sĩ Phạm Tuyên cho Hội Âm nhạc Việt Nam mà Hội Âm nhạc Việt Nam (nơi thành lập hội đồng cơ sở) không có công văn trả lời, thì trên cả phương diện trách nhiệm và tình cảm, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tròn "vai" chưa? Câu chuyện này lặp lại na ná ở một số hội đồng cơ sở khác. Theo đơn thư của nghệ sĩ Hoàng Minh Tâm, Nhà hát Tuồng Việt Nam và theo công văn của TƯ Hội NSSK Việt Nam thì hội đồng cơ sở đã bỏ phiếu đưa nghệ sĩ vào danh sách chính thức đề nghị xét NSƯT, nhưng khi hồ sơ gửi lên thì lại… bỏ quên.

Cũng theo các thông tư trên, hội đồng cơ sở phải có thông báo bằng văn bản các trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn (nêu lý do cụ thể), xử lý dứt điểm, có kết luận những khiếu nại (nếu có) trước khi gửi hồ sơ lên cấp trên. Nhưng đó là trên giấy tờ, còn thực tế thì vẫn… "thư gửi đi mấy lần mà hồi âm chẳng thấy".

Rõ ràng, có một điểm chung là nhiều hội đồng cơ sở đang tự làm khó mình.

Tại cuộc họp báo của Bộ VH,TT&DL về công tác xét giải thưởng, danh hiệu diễn ra chiều 11-8 vừa qua, đại diện hội đồng cơ sở Hội Âm nhạc Việt Nam cũng trả lời không rõ ràng và thỏa đáng về lý do tại sao một số nhạc sĩ khi đăng ký xét giải thưởng bằng cụm công trình thì không đạt, nhưng "xé" nhỏ ra từng tác phẩm thì lại được xét?

Trở lại lý do "không đúng thủ tục" của trường hợp nhạc sĩ Phạm Tuyên, công bằng mà nói về lý hội đồng cấp trên sẽ chỉ căn cứ trên kết quả của hội đồng cấp dưới để xét các trường hợp đúng thủ tục. Nhưng chúng ta phải làm gì để không bỏ sót những trường hợp mười mươi xứng đáng? Liệu chỉ làm đúng quy định là đã hết trách nhiệm? Chia sẻ với Hànộimới, vẫn giọng nói từ tốn, điềm đạm, nhạc sĩ Phạm Tuyên khẳng định ông không hề được Hội Nhạc sĩ Việt Nam thông báo, trao đổi hoặc hướng dẫn gì về vấn đề làm thủ tục xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Một người nhạc sĩ đã suốt đời cống hiến chắc chắn sẽ không phải vì giải thưởng. Và một nhạc sĩ đã ở tuổi 82 như ông cũng làm sao rành rẽ chuyện giấy tờ, hành chính? Một lần nữa câu chuyện này khiến cho nhiều người đặt vấn đề: Giải thưởng là xin - cho hay trao tặng? Nhiều ý kiến cho rằng đây không phải là cuộc thi, mà là sự ghi nhận của cả quá trình. Cơ quan văn hóa phải chủ động tìm kiếm những người có nhiều cống hiến mà trao tặng.

Nghệ sĩ thêm một giải thưởng của Nhà nước là thêm nguồn động viên, nhưng vị trí của họ trong lòng công chúng không hề thay đổi. Chỉ có điều, nếu để sót những người mà công lao, đóng góp của họ thực sự xứng đáng, thì chính ta để mất lòng tin của công chúng và vô hình trung đã làm ảnh hưởng đến một niềm tự hào của đất nước.

                                        Theo HaNoiMoi

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục