Học sinh vẫn tiếp tục đến trường dưới bom đạn - Ảnh Wilfred Burchett chụp năm 1966

Học sinh vẫn tiếp tục đến trường dưới bom đạn - Ảnh Wilfred Burchett chụp năm 1966

100 bức ảnh về chiến tranh Việt Nam của cố nhà báo Wilfred Burchett đã được giới thiệu trong triển lãm Wilfred Burchett và Việt Nam, khai mạc sáng 14.9 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội).

Triển lãm được tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố nhà báo Wilfred Burchett (16.9.1911) - người bạn lớn, luôn ủng hộ, đóng góp cho cuộc cách mạng của nhân dân Việt Nam. Các bức ảnh được trưng bày với ba phần chính, gắn liền với các cuốn sách Wilfred Burchett đã viết: Phía bắc vĩ tuyến 17 gồm những bức ảnh về chiến khu Việt Bắc, Điện Biên Phủ, cuộc sống thường nhật và lao động sản sản xuất của nhân dân miền Bắc những năm 1954-1956; Chiến tranh du kích, Câu chuyện từ chiến khu ghi lại hình ảnh cuộc sống và chiến đấu của quân, dân trong vùng giải phóng miền Nam Việt Nam những năm 1963-1964 và Bắc Việt Nam là những hình ảnh toàn cảnh miền Bắc trong năm 1966.

Mới được phát hiện

Những bức ảnh trong phần một thuộc thời kỳ 1954 - 1956 có nhiều liên hệ với cuốn sách đầu tiên Wilfred Burchett viết về Việt Nam, về miền Bắc Việt Nam sau khi giành độc lập từ Pháp, có nhan đề Phía bắc vĩ tuyến 17, xuất bản năm 1955. Cũng năm này, con trai ông - họa sĩ George Burchett - đã chào đời tại Hà Nội.

“Năm ngoái tôi mới phát hiện ra những âm bản gốc của cha thời kỳ đó. Đột nhiên, tôi thấy hai năm đầu đời của chính mình bỗng hiện về trên những gương mặt trong các bức ảnh. Lần đầu tiên trong đời tôi mới biết đến những tư liệu này. Với tôi, đó giống như cuộc viễn du cả về thời gian và không gian” - George Burchett hồi tưởng.

Trong số các bức ảnh thời kỳ này, có bức được ghi lại trong khoảng thời gian đánh dấu lần gặp gỡ đầu tiên và bắt đầu tình bạn khăng khít giữa nhà báo Wilfred Burchett và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là vào tháng 3.1954 tại chiến khu Việt Bắc trước khi mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong cuốn sách Phía bắc vĩ tuyến 17, Wilfred Burchett dành nhiều trang viết về ấn tượng lần đầu tiên gặp Bác Hồ. Hình ảnh ông không thể quên là Bác với chiếc mũ cối. Wilfred Burchett viết: “Sau những câu chuyện khá thoải mái ban đầu, chúng tôi hỏi Hồ Chủ tịch tại sao các đài phát thanh lại đang rùm beng đến thế về Điện Biên Phủ. Thực ra là ở đó đang có chuyện gì vậy? “Đây là Điện Biên Phủ”, Hồ Chủ tịch vừa nói vừa lật ngửa chiếc mũ cối trên mặt bàn. “Đây là núi”, những ngón tay mảnh dẻ nhưng mạnh mẽ của ông đưa vuốt quanh vành ngoài của chiếc mũ, “Chúng ta đang ở đó. Còn dưới này”, ông nắm tay đặt sâu xuống lòng mũ, “là lòng chảo Điện Biên Phủ. Ở đó là người Pháp. Họ không thể thoát ra ngoài được. Có thể mất thời gian đấy, nhưng họ không thể thoát được”, ông nhắc lại. Đó là trận Điện Biên Phủ trong một chiếc mũ cối”.

Sau khi miền Bắc Việt Nam giành được độc lập, bước chân Wilfred Burchett đặt tới khắp mọi nơi, từ các vùng quê cho đến các đô thị, từ ruộng đồng, vào trong các nhà máy…, mang đến cho thế giới câu chuyện, hình ảnh sự hồi sinh sau chiến tranh.

Từ trong lòng cuộc chiến

Wilfred Burchett là nhà báo phương Tây đầu tiên đến vùng giải phóng miền Nam Việt Nam vào những năm 1963-1964. Từ đây, thế giới đã được biết tới cuộc đấu tranh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Năm 1965, ông đã xuất bản cuốn sách Câu chuyện từ trong lòng cuộc chiến tranh du kích.

Tình yêu với nhân dân Việt Nam đã được ông nhấn mạnh trong bức thư gửi cho con trai và con gái vào ngày 3.1.1964, trong đó có đoạn: “Cha rất tự hào là người bạn ngoại quốc đầu tiên đến thăm các bạn đang chiến đấu để bảo vệ cuộc sống của họ, quê hương và gia đình của họ ở miền Nam Việt Nam. Đây là một công việc vinh quang. Khi lớn lên, các con cũng sẽ thấy tự hào về việc này. Nhưng để tự hào về cha, có nghĩa là các con cũng phải dũng cảm và kiên nhẫn, đừng lúc nào cũng nhắc cha phải nhanh về nhà nhé”.

Năm 1966, cuốn sách Bắc Việt Nam của Wilfred Burchett được xuất bản. Những câu chuyện, hình ảnh, trong đó phản ánh thời kỳ miền Bắc Việt Nam chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bằng ngòi bút của mình và qua những khuôn hình, Wilfred Burchett cho thế giới thấy tinh thần lạc quan, ý chí chiến đấu, quyết giành độc lập của dân tộc Việt Nam.

 

                                                               Theo Báo Thanhnien

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục