Lễ hội văn hóa cồng chiêng lần thứ I năm 2011 sẽ có sự tham gia của gần 1.500 nghệ nhân.

Lễ hội văn hóa cồng chiêng lần thứ I năm 2011 sẽ có sự tham gia của gần 1.500 nghệ nhân.

(HBĐT) - Cồng chiêng là nhạc cụ truyền thống đặc sắc, độc đáo của người Mường Hòa Bình. Nó chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần trong cộng đồng và được nâng tầm trở thành nghệ thuật âm nhạc cồng chiêng.

Để hiểu rõ hơn về giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng của người Mường Hòa Bình, phóng viên Báo Hòa Bình đã trao đổi với NSưT Bùi Chí Thanh, nhà nghiên cứu văn hóa Mường Hòa Bình, tác giả, đạo diễn màn trình tấu cồng chiêng “Vật báu - hồn thiêng” và màn diễu hành cồng chiêng đường phố tại Lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh.  

P.V: Xin ông cho biết ý nghĩa của cồng chiêng trong đời sống tinh thần của người Mường Hòa Bình?

 

NSƯT Bùi Chí Thanh: Người Mường có kho tàng dân gian đồ sộ về số lượng, phong phú về loại hình, hàm xúc về nội dung, có giá trị cao về nghệ thuật; trong đó, văn hoá nhà sàn, hoa văn Mường, văn hoá cồng chiêng... là những di sản vô cùng quý giá được truyền từ đời này qua đời khác, trở thành những dấu ấn nhân văn đậm nét. Cồng chiêng của người Mường là nhạc cụ truyền thống đặc sắc, gắn bó với người Mường từ khi lọt lòng mẹ đến khi qua đời. Cồng chiêng được sử dụng trong các dịp lễ, tết, trong đám cưới, tang ma. Chiêng được dùng cho các phường xắc bùa đi chúc tụng các gia đình vào đầu năm mới, mừng nhà mới, cho các đoàn đi săn, xuống đồng sản xuất, bảo vệ bản mường... Những dịp như vậy, khắp núi rừng vang tiếng chiêng rộn rã. Vào những ngày lễ hội, tiếng chiêng vang lên trầm bổng cùng những cuộc vui hội của mọi người.

 

Theo quan niệm của người Mường, tiếng chiêng là tiếng của lòng người. Người Mường dùng chiêng trong nhiều lễ nghi, lễ thức, lễ hội, trong công việc hệ trọng có ảnh hưởng đến sự sinh tồn của gia đình, dòng tộc, xóm mường. Họ coi tiếng chiêng là ngôn ngữ để giao tiếp với trời, đất, thánh thần, tổ tiên, giao tiếng giữa người với người, cầu mong cho người yên, vật thịnh.

 

Một bộ chiêng đầy đủ có 12 chiếc, chia thành 3 nhóm: chiêng dàm (khầm), chiêng bồng, chiêng tlé. Ngoài ý nghĩa về âm nhạc, dàn chiêng 12 chiếc còn mang ý nghĩa là biểu tượng cho 12 tháng của một năm, tính theo vòng quay của mặt trăng. Một năm là sự giao thoa của 4 mùa thời tiết để bắt đầu từ con số 1. Sự giao thoa của từng chiếc chiêng là âm hưởng của 12 tháng.

 

P.V: Việc sưu tầm, nghiên cứu và gìn giữ các bài cồng chiêng đã góp phần làm phong phú cho loại hình nhạc cụ này. Xin ông cho biết đôi nét về sự độc đáo của âm nhạc cồng chiêng?

 

NSƯT Bùi Chí Thanh: Cồng chiêng là một phần hồn Mường, là “Vật báu - hồn thiêng”. âm thanh của cồng chiêng như tiếng đồng vọng của núi rừng, sông, suối, hòa quyện với nhịp thở của mỗi người dân sống trong bản Mường. Tiếng ngân của cồng chiêng đã hòa nhịp với tiếng nói bản địa của cộng đồng Mường. Cồng chiêng là biểu hiện cao siêu, tinh túy nhất của nghệ thuật dân gian và là nhạc cụ đặc sắc của người Mường Hòa Bình.

 

Từ những giá trị nghệ thuật của âm nhạc cồng chiêng, thời gian qua có khá nhiều người đã quan tâm sưu tầm, bảo tồn và phát triển các bài cồng chiêng. Do là loại hình âm nhạc truyền khẩu nên việc thống nhất về âm tiết cũng như cách sử dụng cồng chiêng có những điểm khác nhau, mỗi vùng Mường có những bài cồng chiêng khác nhau. Tuy nhiên, người ta cũng đã tìm được 3 bài cồng chiêng cổ với cách sử dụng âm nhạc tương đồng nhất. Từ 3 bài chiêng cổ đó, cho đến nay, các vùng Mường đã phát triển được 56 bài cồng chiêng. Trong đó có 26 bài nhạc trùng tên nhưng khác về cách trình tấu và cách thể hiện như các bài: xắc bùa, đi đường, loóng 2, 3, 9, uống rượu, cầu mưa, mừng lúa mới, vào hội, đang oản, chiêng đường làng, gọi bạn, sân còn...

 

Trong quá trình trình tấu nhạc cồng chiêng, mỗi chiếc đều có những âm tiết khác nhau. Một dàn chiêng có 12 chiếc, theo thứ tự từ chiêng mốt, chiêng hai cho đến chiêng mười hai. Chiêng mốt là cao nhất, chiêng mười hai là trầm nhất. Tuy nhiên, trong quá trình sưu tầm, chúng tôi phát hiện được một chiếc chiêng người sử dụng có thể đánh được 4 tiếng: âm cao, âm trung, âm trầm và âm giữa trung (núm chiêng). Chiếc chiêng này do ông Bùi Văn Tiến ở xóm Cang, xã Bình Cảng (Lạc Sơn) đã đào được trong lúc làm vườn. Hiện, chiếc chiêng này đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Đây là sự sáng tạo độc đáo của người Mường xưa, cho đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ tồn tại duy nhất 1 chiếc chiêng như vậy.

 

P.V: Hiện nay ở nước ta có nhiều dân tộc sử dụng cồng chiêng, ông có nhận xét thế nào về những điểm giống và khác nhau của không gian văn hóa cồng chiêng của người Mường tỉnh ta với không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc khác?

 

NSƯT Bùi Chí Thanh: Cồng chiêng là một hình thức văn nghệ dân gian độc đáo của vùng Đông Nam á vốn có từ lâu đời và được nhiều dân tộc lưu truyền đến ngày nay. Ở nước ta, một số dân tộc vùng Tây Nguyên, đông Trường Sơn, Tây Bắc thường xuyên sử dụng cồng chiêng trong đời sống sinh hoạt tinh thần. Cồng chiêng là một kiệt tác phi vật thể, nó xuất hiện và được người dân sử dụng hàng ngàn năm nay, ăn sâu, bám rễ và trở thành biểu tượng, bản sắc riêng của các dân tộc thiểu số, được người dân tôn trọng và bảo vệ. Về kết cấu cơ bản, cồng chiêng của các dân tộc đều có sự tương đồng nhất định nhưng về cách sử dụng, trình tấu, âm nhạc và không gian văn hóa cồng chiêng hầu hết có sự khác nhau. Chủ nhân không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên thuộc nhiều dân tộc quản lý và phát triển, người sử dụng cồng chiêng hầu hết là đàn ông. Chủ nhân không gian văn hóa cồng chiêng của người Mường Hòa Bình do một dân tộc thực hiện và người sử dụng chủ yếu là phụ nữ. 

 

Nghệ thuật âm nhạc cồng chiêng với sự đa dạng về tiết tấu và giai điệu, với sự hòa âm trong không gian rộng lớn đã tạo nên một âm hưởng trầm hùng, vang xa phù hợp với không gian tự nhiên của núi rừng, được con người tạo thành những không gian thẩm mỹ hoành tráng. Tiếng chiêng của người dân Bahnar trầm hùng, tiếng chiêng Arap jarai ngân nga, tiếng chiêng Mnông âm thầm, thủ thỉ, tiếng chiêng êđê dữ dội, mãnh liệt... âm nhạc cồng chiêng của người Mường Hòa Bình là sự hội tự đầy đủ của tự nhiên và cuộc sống, tiết tấu nhịp nhàng, có lúc êm đềm, sâu lắng, có lúc rộn ràng, sôi động...

 

Với những giá trị nghệ thuật của không gian văn hóa cồng chiêng, hiện nay, tỉnh ta đang đề nghị Bộ VH-TT&DL xem xét, công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng của người Mường” là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

 

P.V: Lễ hội văn hóa cồng chiêng lần thứ I được tổ chức trong dịp kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh, 20 năm ngày tái lập tỉnh là một trong những hoạt động nhằm tôn vinh không gian văn hóa cồng chiêng của tỉnh. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

 

NSƯT Bùi Chí Thanh: Theo thống kê mới đây của ngành văn hóa, nhân dân trong tỉnh còn lưu giữ được gần 1 vạn chiếc cồng chiêng. Trước đây, cồng chiêng được sử dụng trong các dịp lễ hội với một dàn cồng chiêng từ 12 chiếc cho đến vài chục chiếc cùng trình tấu. Có một vài lần, tỉnh ta đã huy động số lượng cồng chiêng cùng trình tấu vào một thời điểm lên đến 500 chiếc.

 

Lễ hội cồng chiêng lần thứ I năm 2011 được huy động với số lượng người tham gia đông nhất từ trước đến nay. Ngoài 1.000 nghệ nhân của tỉnh còn có sự tham gia của gần 500 nghệ nhân đến từ các tỉnh trong cả nước. Tại ngày diễn ra lễ hội, gần 1.500 chiếc cồng chiêng sẽ cùng trình tấu một lúc những bài cồng chiêng; tái hiện một số lễ hội truyền thống; tổ chức diễu hành đường phố; thi hòa tấu cồng chiêng...

 

Lễ hội được tổ chức là dịp để tỉnh ta quảng bá hình ảnh văn hóa Mường Hòa Bình đến với bè bạn trong nước và quốc tế; là dịp để tôn vinh, bảo tồn và phát triển không gian văn hóa cồng chiêng. Đặc biệt, lễ hội có sự tham gia của một số tỉnh bạn như: Đắc Lắc, Gia Lai, Thanh Hòa, Phú Thọ, Sơn La... Đây là những địa phương cũng sử dụng âm nhạc cồng chiêng trong các dịp lễ hội, qua đó để người dân các địa phương gần nhau hơn, tìm hiểu, trao đổi về loại hình nhạc cụ “vật báu - hồn thiêng” độc đáo của dân tộc mình.

 

   P.V: Xin cảm ơn ông!

 

 

 

                                                            Ngọc Vinh (thực hiện)

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục