Mỗi độ Tết đến, xuân về, nhiều gia đình, KDC vẫn giữ phong tục trồng cây nêu với ý nghĩa cầu may mắn cho năm mới.

Mỗi độ Tết đến, xuân về, nhiều gia đình, KDC vẫn giữ phong tục trồng cây nêu với ý nghĩa cầu may mắn cho năm mới.

(HBĐT) - Trong câu hát cổ xưa của người Việt gói ghém khá nhiều phong tục dịp Tết cổ truyền: “Thịt muối dưa hành, câu đối đỏ; cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Cây nêu ngày Tết giờ ít thấy ở những chốn thị thành đông đúc nhưng tại nhiều địa phương trong tỉnh như Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Sơn, nhân dân các dân tộc Mường, Kinh vẫn lưu giữ phong tục này với ý nghĩa đón mừng năm mới, mừng tổ tiên về với con cháu, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều bất hạnh trong năm cũ và cầu mong một năm mới tốt lành.

 

Thời điểm cuối năm cũng là thời điểm nông nhàn, nhà nhà, người người phấn khởi chuẩn bị bước vào các hoạt động vui chơi. Khi cây nêu đã được dựng lên, tất cả các hoạt động khác đều dừng lại. Người Kinh dựng nêu vào ngày 23 tháng chạp, tức ngày tiễn ông Công, ông Táo lên trời còn trong cộng đồng dân tộc Mường, lễ “lên nêu” thường bắt đầu từ ngày 28 tháng chạp âm lịch. Đến ngày 7 tháng giêng âm lịch là ngày bà con làm lễ dỡ cây nêu xuống (tức ngày “hạ nêu”). Theo ông Bùi Văn Linh, ở xóm Cộng, xã Quy Hậu (Tân Lạc), cũng giống như đồng bào Kinh và một số dân tộc khác, các cây họ tre được người Mường dùng làm nêu. Đàn ông trong nhà lên rừng tìm cho được cây tre thẳng, còn nguyên ngọn. Cây tre ấy phải ở bìa ngoài của bụi tre để dễ đào được nguyên cả gốc, rễ được lâu hơn sau khi trồng xuống đất, độ cao khoảng 6 -8 mét, sau khi mang về tỉa sạch các nhánh và lá chỉ để lại tán tròn. Các gia đình nơi đây thường đem nêu trồng trước sân nhà mỗi dịp Tết Nguyên đán, trên ngọn cây đeo một vòng tròn nhỏ và treo nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng. Nhiều gia đình treo trên cây nêu treo nhiều công cụ sản xuất như cày, bừa, cuốc… được đan bằng tre, nứa. Ngoài cây nêu chính trồng ở giữa sân nhà còn có nhiều cây nêu khác nhỏ hơn cắm ở bếp, ngoài vườn, chuồng trại gia súc, gia cầm, bồ đựng thóc, gạo. Lễ dựng nêu (thượng nêu) thường diễn ra với bàn cúng trang nghiêm để cầu mưa thuận, gió hòa, tổ tiên phù hộ, độ trì cho con cháu.

Ở vùng có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống như huyện Kim Bôi, cây nêu lớn nhất được nhiều gia đình trồng trước nhà vào dịp Tết có treo thêm lá cờ Tổ quốc buộc chếch 45o so với thân tre. Đặc biệt hơn cả là lá cờ Tổ quốc luôn ở thế tung bay dù cả khi không có gió. Ông Bùi Văn Thơn ở xã Nam Thượng xúc động bày tỏ: Năm nào tôi cũng trồng cây nêu và cũng rất lâu rồi không quên gắn lên đó lá cờ Tổ quốc uy nghiêm, trang trọng để nhắc nhớ phong tục Tết xưa và ghi khắc tấm lòng của người dân quê tôi ơn Đảng, yêu quê hương, đất nước.    

 

Ngày nay, việc phục dựng cây nêu là để cầu may mắn, hòa lòng cùng với thiên nhiên, trời đất. Biểu tượng thiêng liêng của ngày Tết Nguyên đán này vì thế mà còn mang ý nghĩa “tống cựu, nghinh tân”. Theo thời gian, địa phương, dân tộc, tập quán cộng đồng, việc trồng cây nêu ngày Tết còn mang ý nghĩa trải rộng hơn, được xem như là cây vũ trụ nối liền đất với trời, hàm chứa nhiều dụng ý khác như thờ phụng thần linh, vong hồn tổ tiên, tảo trừ những điều xấu xa của năm cũ. Cho dẫu không quá phổ biến, trồng cây nêu vẫn là phong tục đẹp được nhiều vùng, nhiều địa phương trong tỉnh bảo tồn với ước muốn trồng cây nêu để đầu năm ngọn nêu vươn lên đón ánh mặt trời mùa xuân, sức sống xuân.

 

 

 

 

                                                                   Bùi Minh

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục