Cây mía và mâm cỗ cúng tổ tiên của người Mường.

Cây mía và mâm cỗ cúng tổ tiên của người Mường.

(HBĐT) - Cây mía được trồng bằng ngọn và các đốt. Trong tự nhiên, khi bị đổ, cây rạp xuống đất, trên các đốt sản sinh ra một chồi khác, rễ từ quanh đốt mọc ra, ăn xuống đất, từ đây một cây mía khác lại mọc lên. Ngay cả khi cây đang lớn nếu không chăm sóc, bóc bẹ già, từ các đốt mía lại mọc ra các chồi non đâm ngang ngay trên thân cây mẹ.

 

Từ đặc tính sinh sản tự nhiên mãnh liệt, cây mía được người Mường coi là cây biểu tượng cho sự ngọt ngào, phồn thực, sinh sản mãnh liệt, sinh con đàn, cháu đống.

 

Ngày nay cây mía, nhất là mía tím là đặc sản của tỉnh Hòa Bình, là sản phẩm hàng hóa cho giá trị kinh tế cao được trồng phổ biến trên các chân ruộng cao, trên sườn đồi thoai thoải hoặc các bưa bãi, gò đồi. Nhiều gia đình người Mường đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ trồng mía.

 

Ở vùng Lạc Sơn, Tân Lạc, vùng người Mường sinh sống 6 huyện phía Bắc tỉnh Thanh Hóa mỗi khi Tết đến, cùng với cành đào, xôi, thịt hầu như nhà nào cũng sắm một đôi cây mía đẹp, to, thẳng, buộc sóng đôi, vạt bỏ bớt đi phần ngọn lá, cách thức buộc song đôi y như buộc đôi cây mía trong đám cưới. Đôi cây mía được buộc dựng vào cột cái nhà sàn hay bắc từ đòn tay hiên phía trên nhà sàn lên đòn tay cái bên dưới mái nhà. Đôi cây mía được để như thế suốt những ngày Tết.

Rõ ràng không chỉ để trang trí, việc có đôi cây mía còn có mục đích đó là biểu tượng lấy khước may mắn, mong cho năm mới đến trong yên lành, con người mạnh khỏe, hạnh phúc, làm mùa được  mát lành, vật nuôi sinh sôi, mạnh khỏe không bị dịch bệnh.

 

Trong tiến trình tiến tới hôn nhân, cụ thể là trong các bước đi hỏi vợ và tiến hành đám cưới, cây mía là vật phẩm mang tính biểu tượng không thể thiếu của người Mường. Trong lời cầu phúc cho đôi vợ chồng mới cưới cũng như chúc phúc cho gia đình, người Mường thường chúc mạnh khỏe, hạnh phúc mãi yêu thương nhau và chúc đôi vợ chồng sinh con đàn, chín con trai, mười con gái, cấy hái đầy đồng, nói rộng ra là nòi giống sinh sôi.

 

Tiến trình tiến tới hôn nhân của người Mường trải qua nhiều bước, cuối cùng là đám cưới khi đó hai người mới thành vợ, thành chồng.

 

Khi nhà trai đi đón dâu, nhà gái đưa dâu về nhà chồng đều phải có chú bé vác mía dẫn đầu đoàn. Đôi cây mía như lá cờ đặc biệt không thể thiếu trong đám cưới cổ truyền của người Mường.

 

Mía được lựa chọn phải là cây thẳng, thân mẩy, đẹp, không bị sâu hà, không teo tóp. Tuy  có chút tạo tác, cây để cả ngọn, lấy dao chặt vạt bớt  đi hai phần ba lá, song cơ bản vẫn là nguyên cây. Lấy một đoạn cây vầu hoặc cây tre nhỏ chừng bằng ngón chân cái, dài bằng chiều dài thân cây mía dùng để làm xương đỡ buộc nẹp hai cây mía và cả phần ngọn song song lại với nhau. Mỗi một nốt lạt buộc phải có đôi lạt, số lượng nút lạt trên cây mía phải có tổng số chẵn, từ 4 - 6 nút lạt, không được buộc lẻ. Trước khi buộc hai cây mía vào với nhau phải cẩn thận đếm để tổng số đốt mía trên mỗi cây là số chẵn, nếu số lẻ phải đẵn vứt đi, phía gốc cây mía phải đẵn bằng, không chặt vát...

 

Đôi cây mía này do một người nam trẻ tuổi, chưa vợ, là thiếu niên, có quan hệ họ hàng với chú rể vác trên vai, người này thường đi đầu và được gọi là: Chủ quạc mía (chú vác mía). Người Mường không sử dụng con gái hay phụ nữ làm người vác đôi cây mía. Dường như đây là điều cấm kị, được coi là sự gở không được ưa thích.

 

Chú vác mía được gia chủ, họ hàng lựa chọn cẩn thận, không tùy hứng, phải có các tiêu chí như: Là người lành lặn, không dị tật, thông minh, lanh lợi thì càng tốt và phải là người chưa lập gia đình.

 

Bên chủ đón khách trước tiên phải đón đỡ đôi cây mía mang lên buộc vào cây cột cái trang trọng nhất nhà hoặc để gác trên hai đòn tay hiên và đòn tay cái trên gian chính nhà sàn.

 

Truyền thuyết về đôi cây mía trong đám cưới vẫn được người Mường truyền tụng như sau: “Ngày xưa ở xứ Mường có con moi (muỗi) khổng lồ, độc ác, dân Mường hàng năm phải cắt người đến nộp mạng cho con moi ăn thịt. Năm ấy đến lượt hai chị em Côi, hai chị em rất yêu thương nhau, ai nấy đều nhận phần chết về mình cho người kia được sống, cuối cùng không ngã ngũ hai chị em quyết định cùng đi đến hang Moi để con quái vật thích ăn ai tuỳ thích. Tháng chạp rét buốt, trước cửa hang có đống bã mía của những người đi chết trước ăn bỏ lại. Chị em Côi bẻ những cây mía mọc hoang cạnh đó ăn chờ Moi ra, vừa ăn vừa vun bã mía lại nhóm lửa đốt để sưởi, khói bốc lên nghi ngút, khói tuôn vào hang làm con quái vật sặc mà chết. Dân Mường vô cùng mừng rỡ cảm ơn chị em Côi và cây mía, một tục lệ được đề ra là tục vác cây mía trong đám cưới, cây mía tượng trưng cho tình yêu thương nhau như chị em Côi, sự ngọt ngào của hạnh phúc lứa đôi”.

 

                  

Thanh niên vác cây mía dẫn đầu đoàn nhà trai đi đón cô dâu trong ngày cưới.

Tại sao phải có đôi cây mía trong các nghi thức đám cưới? Theo như các cụ cao tuổi cho biết đó là thể hiện hạnh phúc lứa đôi ngọt ngào như cây mía. Để cả ngọn lá mía là sự cầu mong nòi giống sinh sôi, chú bé vác mía là thể hiện niềm mong mỏi có con trai đầu lòng... Qua câu chuyện trên ta thấy nó còn mang ý nghĩa vật biểu tượng cho sự ngọt ngào của hạnh phúc lứa đôi, biểu tượng phồn thực sản sinh mãnh liệt con đàn, cháu đống và là biểu tượng trừ tà ma, mang yên lành đến cho con người.

 

 

                                                                            Bùi Huy Vọng

 

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục