Lãnh đạo các cơ quan báo Đảng khu vực trung du, miền núi phía Bắc

 thăm di tích lán Nà Nưa.

Lãnh đạo các cơ quan báo Đảng khu vực trung du, miền núi phía Bắc thăm di tích lán Nà Nưa.

(HBĐT) - Tháng Tám lịch sử, cùng với triệu triệu trái tim trên mọi miền Tổ quốc, tôi hướng sự quan tâm đặc biệt đến sự kiện quan trọng: Kỷ niệm 70 năm Quốc dân Đại hội Tân Trào và cũng là kỷ niệm 70 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Tân Trào - Tuyên Quang những ngày này thật rực rỡ, trang trọng và căng tràn hào khí của hồn thiêng sông núi. Những hình ảnh đẹp đó cứ mãi khắc sâu trong tâm trí, hối thúc con tim, khối óc và đôi chân tôi về lại nơi khởi nguồn cách mạng này.

 

Đã từng đọc, từng nghe trong sử sách về những ngày tháng đầy gian khổ của Bác Hồ ở nơi núi rừng Việt Bắc, nhưng chúng tôi vẫn không kìm được nước mắt khi nghe hướng dẫn viên Trương Mỹ  Duyên giới thiệu về lán Nà Nưa với chất giọng nhẹ nhàng, trầm bổng, đong đầy cảm xúc. Rời Pác Bó - Cao Bằng về với Tân Trào, Bác Hồ ở lại 1 tuần trong làng với nhân dân, sau đó để đảm bảo bí mật và tiện cho công việc Bác chuyển lên ở trong ngôi lán này. Căn lán đơn sơ, cột được làm bằng cây chôn xuống đất, rui, mè bằng tre, nứa, mái lợp lá gồi. Lán được ngăn thành 2 nửa: một bên là chỗ Bác ngồi làm việc có đặt chiếc máy chữ, sách, báo và một vài vật dụng đơn sơ khác, còn một bên Bác dành làm chỗ nghỉ. Hồi ấy, nơi đây rừng âm u, rậm rạp. Thức đêm nhiều, lần hồi với những bữa ăn đạm bạc chủ yếu là rau với măng rừng lại luôn phải chống chọi với muỗi, vắt, Bác đã bị mệt nặng. Những cơn sốt triền miên khiến Bác lả người, hốc hác. Thế nhưng, cứ gượng dậy được là Bác lại làm việc và bàn việc cách mạng. Thể trạng yếu ớt nhưng Bác đã dặn lại đồng chí Võ Nguyên Giáp những câu chắc nịch:  Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết dành cho được độc lập. Tại căn lán này, Bác đã khởi thảo nhiều văn kiện, Chỉ thị, đưa ra nhiều chủ trương, kế hoạch cho kháng chiến. Cũng tại đây, Bác Hồ đã triệu tập hội nghị cán bộ ngày 4/6/1945, quyết định thống nhất chiến khu thành Khu giải phóng; thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân giải phóng. 

 

Chúng tôi tới thăm lại Đình Tân Trào, nơi các đại biểu từ khắp mọi miền đất nước về họp Quốc dân Đại hội ngày 16/8/1945 mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gọi là “Hội nghị Diên Hồng” của cách mạng. Tại cuộc họp này đã thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa và 10 chính sách của Việt Minh, cử ra ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; đình Hồng Thái, nơi dừng chân đầu tiên của Bác Hồ khi từ Pác Bó (Cao Bằng) về căn cứ địa cách mạng ở Tân Trào - được chọn làm trạm giao liên và huấn luyện quân sự trong suốt thời kỳ kháng chiến.

 

Chuyến đi lần này còn có đông đảo anh, chị em đồng nghiệp đến từ Cao Bằng, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên. Trong số họ có người đã trở lại đây lần thứ tư, nhưng những cảm xúc vẫn nguyên vẹn như lần đầu được đặt chân tới. Mỗi địa danh, di tích ở đây đều là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược cùng tư duy sáng tạo và hành động kịp thời của Đảng ta, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm nên cuộc cách mạng Tháng Tám, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

 

 

Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào (Tuyên Quang) luôn là điểm đến của đông đảo du khách.

 

Thực hiện xong nghi lễ dâng hương tại di tích Đình Tân Trào, Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang Vũ Thị Bé cởi mở: Về với Tân Trào nói riêng và Tuyên Quang nói chung là hành trình về nguồn. Mong rằng với cuộc hội ngộ này, các anh, chị, những người đồng nghiệp sẽ dành những giây phút lắng đọng để cảm nhận những đổi thay trên quê hương cách mạng, hun đúc thêm lòng tự hào dân tộc. Qua đó lưu giữ những cảm xúc đẹp để truyền tải thành những bài viết hay về lịch sử, truyền thống cách mạng mà Tân Trào - Tuyên Quang là một trong những điểm khởi nguồn. 

 

Tân Trào hiện sở hữu gần 200 di tích, với 19 di tích được Bộ VH-TT &DL công nhận là di tích lịch sử quốc gia, 30 di tích được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, lại nằm trong vùng rừng đặc dụng có nhiều thảm thực vật quý hiếm. Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào không chỉ là “địa chỉ đỏ” nuôi dưỡng tinh thần cách mạng cho thế hệ hôm nay mà còn có đầy đủ tiềm năng để phát triển loại hình du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái. Với thế mạnh này, nhiều năm qua, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn đã triển khai nhiều biện pháp để kích cầu du lịch có hiệu quả. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, người dân Tân Trào đã đoàn kết, nỗ lực thực hiện hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM, tạo diện mạo mới cho vùng quê vốn rất nhiều khó khăn trước đây. Tân Trào trở thành xã NTM đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang.

 

Sẽ không trọn vẹn nếu chưa được đứng chân dưới tầm nhìn của Bác, thắp nén hương thơm thành kính, báo công với Bác những việc đã làm. Vì vậy, khi rời Khu di tích lịch sử - văn hóa Tân Trào, vệt nắng đã chói chang nơi đỉnh đầu, các thành viên trong đoàn vẫn hăm hở quay trở về thành phố để được viếng thăm Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Và tất nhiên không chỉ là được thăm quan, ghi lại những khuôn hình đẹp bên công trình bề thế, mà là để được đứng trước anh linh của Người (bên Nhà tưởng niệm Bác Hồ), hứa với Bác sẽ luôn giữ cho “tâm sáng, lòng trong, bút sắc” để  xứng đáng là những chiến sỹ xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng. Cuộc hành trình ngắn ngủi nhưng thật nhiều ý nghĩa cho việc trau dồi đạo đức cách mạng, ôn lại truyền thống lịch sử để củng cố thêm niềm tự hào dân tộc.

 

 

 

                                                                       Lam Nguyệt

 

Các tin khác


Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục