(HBĐT) - Nguyễn Hải Dương - học sinh lớp 11 chuyên Anh, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ vừa xuất sắc đạt giải nhì môn tiếng Anh khi tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT năm học 2021 - 2022. Đây là thí sinh duy nhất của tỉnh đạt giải ở bộ môn tiếng Anh - vốn là bộ môn rất khó đối với học sinh Hòa Bình nói riêng, học sinh các tỉnh miền núi nói chung khi tham gia cạnh tranh tại các đấu trường toàn quốc.


Em Nguyễn Hải Dương được cô giáo Nguyễn Thị Thanh Cảnh hướng dẫn tiếp cận những tài liệu bổ ích để nâng cao hiệu quả học tiếng Anh.

"Khi biết kết quả, em vô cùng vui sướng! Mặc dù không quá bất ngờ nhưng em thấy mình may mắn khi đạt thành tích này” - Nguyễn Hải Dương tâm sự. Em đã dồn rất nhiều thời gian và tâm sức cho kỳ thi. Những ngày tháng "ăn, ngủ tiếng Anh” đã được đền đáp xứng đáng. Tham gia tranh tài với các anh chị lớp 12 trên toàn quốc ở một bộ môn có môi trường cạnh tranh cao như tiếng Anh, giải nhì của học sinh lớp 11 như Dương quả thật rất đáng tự hào!

"Để đạt thành tích này, em biết ơn sự dẫn dắt tận tình, hiệu quả của các thầy, cô giáo ôn luyện cho đội tuyển. Đặc biệt là sự hỗ trợ quý báu của anh Bùi Thanh Tùng - cựu học sinh trường Hoàng, người đã có những thành tích nổi bật trong môn tiếng Anh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sau này anh đi du học và thành công khi lập nghiệp trên đất Mỹ” - Dương cảm kích nhớ lại thời gian tập trung ôn thi đội tuyển.

Được chọn vào đội tuyển dự thi cấp Quốc gia môn tiếng Anh, Dương và các bạn đã dồn hết sức để ôn tập từ tháng 8/2021 - 2/2022. Suốt thời gian đó, 70% quỹ thời gian trong ngày là dành cho nghe - nói - đọc - viết đều bằng tiếng Anh, chỉ sử dụng tiếng Việt khi nói chuyện với người trong gia đình. Khi luyện đội tuyển, các thầy cô đưa ra yêu cầu về độ khó, tìm tài liệu từ các sách CPW, IELTS, cung cấp đề thi học sinh giỏi các năm trước... Còn Dương tự tìm thêm tài liệu để bổ sung kiến thức xã hội, tìm các bài báo nước ngoài để rèn luyện kỹ năng viết - đọc, khai thác các kênh để rèn luyện kỹ năng nghe, quyết tâm nâng cao chất lượng bài nói và bài viết. Giai đoạn ôn thi lại rơi đúng vào giai đoạn dịch Covid-19 phức tạp nên càng gây áp lực cho cả thầy và trò.

Cô Nguyễn Thị Thanh Cảnh phụ trách đội tuyển đánh giá cao sự nhạy bén, chủ động, đặc biệt là niềm đam mê của Dương đối với môn tiếng Anh. Cô cho biết: Trong thời gian ôn thi, Dương tiến bộ rõ rệt. Nhưng yếu tố quyết định giúp em hái được "quả ngọt” trong kỳ thi này chính là nền tảng học lực được tích lũy trong cả quá trình, chứ không phải dồn dập củng cố trong vài tháng ôn thi đội tuyển. Dương có nền tảng từ vựng tốt, có thế mạnh là kỹ năng nghe và đọc, hơn nữa, còn có sự nhạy bén khi tiếp cận các kênh bổ trợ để nâng cao kỹ năng, mở rộng kiến thức.

Cũng như nhiều bạn đồng trang lứa, Nguyễn Hải Dương bắt đầu học tiếng Anh từ năm lớp 1. Nhưng phải đến năm học lớp 6, Dương mới thật sự đam mê và quyết tâm theo đuổi hành trình chinh phục môn tiếng Anh. Từ mục tiêu thi đỗ vào lớp 10 chuyên Anh trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, đến mục tiêu thi IELTS đạt 8.0 trong năm lớp 10, rồi đến mục tiêu đạt thành tích cao tại kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia ngay từ năm lớp 11… Bằng cách liên tục đặt ra mục tiêu để phấn đấu, Dương đã tiến bước vững vàng trên hành trình chinh phục môn tiếng Anh.

Nguyễn Hải Dương bày tỏ: "Còn 1 năm học THPT phía trước, em đặt mục tiêu tiếp tục tham gia kỳ thi năm học 2022 - 2023 và đạt thành tích cao hơn. Với em, tiếng Anh là phương tiện giúp em mở ra những chân trời mới nên không có cái đích cuối cùng trong hành trình em gắn bó với tiếng Anh. Em xác định, đây cũng sẽ là phương tiện đắc lực để em tiếp cận với các cơ hội đi du học sau khi tốt nghiệp THPT”.

Khánh An


Các tin khác


Bí thư chi đoàn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi cá lồng

Qua tìm hiểu, anh Nguyễn Văn Lân, Bí thư chi đoàn tổ Vôi, phường Thái Bình, TP Hòa Bình đã tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có của quê hương, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, trở thành tấm gương sáng về khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn.

Thoát nghèo từ mô hình nuôi ong và trồng bưởi đỏ

Tận dụng lợi thế đồi rừng, những năm qua, nông dân xã Tử Nê, huyện Tân Lạc đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó có nghề nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu là gia đình anh Bùi Văn Liêm ở xóm Cú. Với ưu thế nhà gần rừng có nhiều loại cây và các loại hoa rừng, tốt cho việc nuôi ong, anh Liêm đã tìm tòi, học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hộ nuôi ong trong vùng, từ đó đầu tư trên 50 tổ ong nuôi lấy mật.

Khởi nghiệp từ đặc sản quê hương

Nhận thấy quê hương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, anh Hà Công Hưng, Phó Bí thư Đoàn xã Mai Hịch (Mai Châu) bắt tay vào làm sản phẩm thịt gác bếp với mong muốn mang đặc sản của quê hương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bùi Đình Văn - gương sáng phát triển kinh tế

Trong những năm qua, phong trào đoàn viên, thanh niên vượt khó làm kinh tế được tuổi trẻ xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc tích cực hưởng ứng. Ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên bằng khát vọng vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm đi lên từ hai bàn tay trắng để trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện.

Người phát triển nghề mây tre đan trên quê hương Mường Động

Từ một phụ nữ thuần nông, chị Nguyễn Thị Nhung ở xóm Quê Rù, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) mạnh dạn về xuôi tìm hiểu và theo học làm mây tre đan với mong muốn chuyển đổi nghề, từng bước cải thiện sinh kế. Sau nhiều nỗ lực, chị trở thành người có tay nghề vững, được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện mời về làm giáo viên thỉnh giảng. Quá trình giảng dạy chị vừa truyền nghề, vừa đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho học viên.

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

Bà Nguyễn Thị Nụ ở tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) được biết đến là người phụ nữ giản dị, giàu lòng nhân ái. Mặc dù kinh tế gia đình không dư giả nhưng với gần 10 năm làm công tác thiện nguyện cũng đủ nói lên tấm lòng nhân ái, sống có trách nhiệm, biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn của bà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục