Đó là ấn tượng chung của buổi sáng hội thảo Gặp gỡ nhà văn trẻ trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới



Mô tả ảnh.
Nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa điều hành hội thảo

BTC tỏ vẻ hơi căng cứng khi chọn hình thức truyền thống: các đại biểu lần lượt lên đọc tham luận, còn người ở dưới ngồi nghe, ghi chép. Chưa có những vấn đề được xới lên, đi sâu vào thảo luận ở các chủ đề rất thiết thực như: Làm thế nào để văn học Việt Nam đến với thế giới? Các nhà văn trẻ có gì trong tay để “xuất khẩu” ra nước ngoài? Việc đào tạo dịch giả văn học (vốn không được chú ý ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới) có cần thiết không? Các nhà văn trẻ Việt Nam liệu có nên sáng tác bằng tiếng Anh để tác phẩm của mình dễ dàng tiếp cận với thế giới? V.v…

Về tỉ lệ các ý kiến, đại biểu Việt Nam vẫn chiếm thời gian quá dài trên diễn đàn, trong khi chúng ta đang rất cần lắng nghe bạn bè quốc tế nói lên nguyện vọng, những khó khăn và sự hợp tác giữa các bên để có được những tác phẩm, sản phẩm dịch thuật tốt nhất đến với công chúng nước bạn.

Mô tả ảnh.
Nhà thơ Bùi Thị Tuyết Mai với màn "PR" thật thà gây được thiện cảm

Nhiều đại biểu Việt Nam có lẽ chưa quen với tác phong làm việc của một hội thảo quốc tế nên các tham luận (đã được rút gọn) sa đà vào việc trình bày tình hình văn học, quan điểm nghệ thuật và điểm lại các thành tựu của một số tác giả.

Nhưng tựu chung lại, các ý kiến đều thống nhất dịch thuật văn học là một công việc hết sức khó khăn. Dịch giả Trần Thiện Đạo đến từ Pháp phàn nàn về các bản dịch ngược sang tiếng Pháp mà ông không tiện gọi đích danh. Những bản dịch ấy mới chỉ dừng lại ở mức “biết tiếng Pháp” chứ chưa phải là một bản dịch văn học có đủ khả năng thuyết phục được người đọc Pháp khó tính.

Dịch giả Vũ Phong Tạo, ngược lại, chê các bản dịch tiếng Trung mà ông sưu tầm được không đúng với tinh thần tác phẩm Việt. Ông đưa ra ví dụ: “Đất nước đứng lên” (của Nguyên Ngọc) được dịch thành “Tổ quốc đứng lên” hay “Mùa lạc” (của Nguyễn Khải) sang tiếng Trung thành “Mùa thu hoạch lạc” v.v…

Đại diện nhà xuất bản Thụy Điển thì cho rằng cần có một quỹ dành riêng cho dịch thuật văn học, hỗ trợ dịch giả, trả tiền bản quyền và xuất bản tác phẩm…

Tiếc rằng những vấn đề này đã không được xới lên thành một cuộc thảo luận với những mục tiêu thực tế để đạt được những kết quả hoặc thỏa thuận “nóng” ngay tại hội thảo.

Mô tả ảnh.
Dịch giả Trịnh Lữ đặt ra 3 câu hỏi cho việc quảng bá văn học VN

Vì vậy điểm sáng của buổi sáng đến từ nhà thơ người Mường Bùi Thị Tuyết Mai. Chị không nói về những vấn đề của dịch thuật mà chỉ “marketing” tác phẩm và bản thân mình. Và chị kêu gọi: "Các bạn quốc tế, hãy đọc tôi và dịch tôi nếu các bạn thấy thích. Nếu các bạn quan tâm đến văn học của các dân tộc thiểu số, thì tôi sẵn sàng giúp các bạn lựa chọn những tác phẩm tốt nhất!”

Với ai đó, cách phát biểu kiểu tự PR có phần hơi phản cảm, nhưng thật ra đó là một sự thật thà nghiêm túc, đúng nhất với tinh thần của một cuộc giới thiệu tác giả và tác phẩm văn học của ta với bạn bè quốc tế. Bùi Thị Tuyết Mai nói: Thời gian hội thảo chỉ có một ngày, ta phải tranh thủ, không ê a, dềnh dàng được! Mấy khi bạn bè quốc tế đến được với ta như thế này?

Dịch giả Chúc Ngưỡng Tu chia sẻ kinh nghiệm dịch văn học VN
Dịch giả Anna Gustafsson đưa ra những đề nghị thiết thực

Một nhà văn khác tên Mai, chị Trần Thùy Mai đến từ Huế lại chọn cách tiếp cận khác. Chị cho rằng, không nên đặt câu hỏi làm thế nào để giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới. Nhà văn không giống những người sản xuất mây tre đan xuất khẩu, sản phẩm phải phục vụ cho sở thích của người nước ngoài. Mỗi tác phẩm văn học cần thể được vẻ đẹp Việt, tâm hồn Việt, thẩm mỹ Việt, tầm vóc Việt thì tự thân nó sẽ có sức lan tỏa.

Đầu giờ chiều, BTC đã có một số điều chỉnh nên không khí trong hội trường sôi động hẳn. Dịch giả người Mỹ Hillary Watts sau khi đưa ra một số gợi ý như tận dụng công cụ IT, Internet, thậm chí tờ rơi giới thiệu du lịch để giới thiệu các sản phẩm văn học, chị đã đề nghị các nhà văn Việt Nam thay vì ngồi nghe, lên diễn đàn chia sẻ về bản thân, tác phẩm, ý tưởng.

Dịch giả Trịnh Lữ tự trình bày bằng tiếng Anh và tiếng Việt, đặt ra 3 câu hỏi: chúng ta sẽ giới thiệu ra quốc tế loại văn học nào, ai giới thiệu, và giới thiệu như thế nào? Việc quảng bá văn học của ta tới các đối tượng đích mà ta muốn là không khó, nhưng để tiếp cận được độc giả đại chúng quốc tế thì sẽ khác. Người nước ngoài mua một tác phẩm văn học, là mua một áng văn chương. Các nhà văn trẻ nên chủ động quảng bá tác phẩm của mình thay vì thụ động chờ đợi người khác.

Mô tả ảnh.
Dịch giả Chúc Ngưỡng Tu: Một trong 3 mục tiêu cuối đời của tôi là dịch văn học Việt Nam

Dịch giả Chúc Ngưỡng Tu (Trung Quốc) sau khi chia sẻ những kinh nghiệm dịch thuật của mình đã khiến cả hội trường vỗ tay hoan nghênh khi nói: Năm nay ông đã gần 70 tuổi và chỉ đặt ra 3 việc phải làm cuối đời. Đó là: giữ gìn sức khỏe, chăm sóc cháu đích tôn (được sinh vào đúng 2/9 - ngày Quốc khánh nước ta mà ông gọi đó là số phận) và dịch văn học Việt Nam.

Có một sự ngẫu nhiên là ý kiến đáng chú nhất khép lại một ngày hội thảo lại đến từ dịch giả Anna Gustafsson (Thụy Điển). Chị cho rằng, khi dịch một tác phẩm văn học không phải vì người ta muốn thể hiện tình bạn hay tình yêu với một đất nước nào đó, mà bởi vì muốn mang tới một cuốn sách hay cho độc giả của mình. “Điều tôi muốn nói với các bạn là, để quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, thì trước hết, các bạn hãy viết thật hay.” Và chị đưa ra một đề nghị: hàng năm, các bạn hãy gửi danh mục các tác phẩm văn học tiểu biểu trong năm cho chúng tôi, để người dịch Thụy Điển có thể tiếp cận một cách nhanh nhất.

Đây có lẽ cũng là cách thiết thực mà chúng ta, trước hết là Hội nhà văn Việt Nam, có thể làm ngay để bước đầu giới thiệu văn học Việt tới các nước khác.

                                                                                Theo Vnn

Các tin khác


Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu sách trong cộng đồng

Do tác động của công nghệ thông tin, mạng internet, các thiết bị điện tử nên đã ảnh hưởng đến việc đọc của thế hệ trẻ, lấn át văn hóa đọc truyền thống. Sau khi có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã chung tay đẩy mạnh phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trở thành hoạt động lớn trong tháng Tư hằng năm nhằm tôn vinh giá trị của sách trong cộng đồng.

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh huyện Cao Phong năm 2024

Ngày 11/4, UBND huyện Cao Phong tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh năm 2024. Tham gia liên hoan có 10 đoàn với trên 300 diễn viên là dân quân, thanh niên, học sinh các xã, thị trấn trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục