Nhà rông văn hóa của đồng bào Tây Nguyên.

Nhà rông văn hóa của đồng bào Tây Nguyên.

Trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa thì hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở có vai trò quan trọng vì trong đó có mô hình nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng. Vấn đề được đặt ra là nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế ấy để phát huy tác dụng thật sự trong cuộc sống.

 

Trong các thiết chế văn hóa ở cơ sở, nhà văn hóa được xem là thiết chế cơ bản nhất. Hiện nay, trên cả nước, số làng, ấp, bản, khu phố có nhà văn hóa chỉ chiếm tỷ lệ 43%. Ðây là thiết chế văn hóa do nhân dân tự đóng góp xây dựng có sự hỗ trợ của Nhà nước. Như vậy, nhiều xã, thôn, làng, ấp, bản, khu phố vẫn chưa có nhà văn hóa. Hiện tại, nhiều nhà văn hóa cũng đang bị xuống cấp và thiếu đồng bộ về trang thiết bị. Việc xây dựng về quy mô, kiểu dáng, vị trí còn tùy tiện. Có một nghịch lý, trong khi tại nhiều nơi chưa có nhà văn hóa thì không ít nơi xây dựng nhà văn hóa nhưng hoạt động kém hiệu quả, có khi bỏ không. Ðể khắc phục tình trạng này, trước hết cần có sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền địa phương. Lãnh đạo một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vai trò văn hóa trong cuộc sống tinh thần của người dân, sự cần thiết phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng đời sống văn hóa cho nên chưa chú trọng đến việc  quy hoạch, dành diện tích đất đai cho nhà văn hóa, nhất là trong bối cảnh "tấc đất, tấc vàng". Hoặc có nơi xây nhà văn hóa nhưng chỉ làm theo phong trào, chạy theo chủ nghĩa hình thức miễn là có cái nhà treo biển hiệu, không quan tâm duy trì hoạt động. Như vậy, sự quan tâm của lãnh đạo địa phương không chỉ dừng ở chỗ xây dựng trụ sở mà cần quan tâm đến việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nhà văn hóa.

Bên cạnh đó, cần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho nhà văn hóa và có cơ chế chính sách hợp lý đối với những người hoạt động trong lĩnh vực này.  Ðây là khâu rất quan trọng, quyết định  hoạt động của nhà văn hóa có phong phú và gắn với nhu cầu văn hóa của nhân dân hay không. Theo thống kê mới đây, cán bộ văn hóa, thể thao cấp xã, phường, thị trấn có trình độ đại học đạt 16%, cán bộ trung cấp đạt 71%. Có thể nói, đội ngũ cán bộ nhà văn hóa ở cơ sở vừa thiếu vừa yếu. Thực tiễn cho thấy, cán bộ nhà văn hóa cơ sở không chỉ cần có trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn nghiệp vụ mà cần có sự say mê, tính sáng tạo và nhất là làm công tác quần chúng tốt. Chính họ là người tham gia, sáng tạo ra các hình thức hoạt động trúng với nhu cầu văn hóa của nhân dân và  tìm ra cách thức hoạt động hấp dẫn, lôi cuốn người dân tham gia. Nhà văn hóa phải luôn luôn có hình thức hoạt động phong phú, biểu diễn văn nghệ,  gặp gỡ giao lưu, nói chuyện thời sự, khi thì sinh hoạt các loại câu lạc bộ cây trồng, cây cảnh, kế hoạch hóa gia đình... Nhiều nhà văn hóa đã khai thác được kho tàng văn hóa dân gian ở địa phương, kết hợp với ngành du lịch để thu hút du khách, giới thiệu và bán sản phẩm của làng nghề. Sự tìm tòi, sáng tạo nội dung và hình thức các hoạt động của đội ngũ cán bộ bảo đảm tăng công suất và hiệu quả hoạt động của nhà văn hóa.

Ðể các nhà văn hóa ở cơ sở có đủ nguồn kinh phí hoạt động bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước phải tăng cường công tác xã hội hóa. Trước hết, phải dựa vào các phong trào quần chúng. Không thể lúc nào cũng mời các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đến biểu diễn mà phải dựa vào phong trào quần chúng ở địa phương với những đội văn nghệ, những diễn viên không chuyên xuất sắc. Ở những nơi là cái nôi của tuồng, chèo, cải lương, diễn viên không chuyên biểu diễn không kém gì lực lượng nghệ thuật chuyên nghiệp. Vấn đề là ai đứng ra tổ chức? Ở Bà Rịa - Vũng Tàu, các nhà văn hóa đã thành lập được 208 câu lạc bộ với 24.332 hội viên và tổ chức sinh hoạt với tổng số 2.500 buổi/năm. Có 106 đội nhóm, câu lạc bộ bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, võ thuật hằng năm thu hút hàng chục nghìn người xem và trực tiếp tham gia. Các nhà văn hóa còn tổ chức các lớp học theo sở thích, kỹ năng nghề nghiệp cho 4.000 người. Ở Hải Phòng, các nhà văn hóa cấp xã đã xây dựng được 344 đội văn nghệ, 481 câu lạc bộ, trung bình mỗi nhà văn hóa hoạt động từ 50 đến 200 buổi/năm. Khi nhà văn hóa hoạt động phong phú có hiệu quả sẽ thu hút được sự đóng góp của nhân dân, đồng thời các doanh nghiệp, các đoàn thể, đơn vị, cá nhân cũng sẵn sàng tài trợ để có kinh phí hoạt động.

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 đã nêu mục tiêu cụ thể: Xây dựng đồng bộ và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cộng đồng. Phấn đấu đến năm 2015 và 2020,  có 90% đến 100% số quận, huyện, thị xã có nhà văn hóa và thư viện; 80% đến 90% số xã và thị trấn có nhà văn hóa; 60% đến 70% số làng, bản, ấp có nhà văn hóa.

Thực hiện chiến lược ấy, ngay từ bây giờ các cơ sở cần xây dựng nhà văn hóa ở những nơi chưa có. Ðặc biệt, phải kiện toàn cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ của nhà văn hóa đã có để nó thật sự phát huy tác dụng trong việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

 

                                                                       Theo Báo Nhandan

 

 

Các tin khác


Âm nhạc Hòa Bình - những nốt thăng đáng mừng

Với những nhạc sĩ, thi sĩ và những người yêu âm nhạc ở Hòa Bình, năm 2023 được xem là một mùa bội thu: nhiều tác phẩm được sáng tác mới, nhiều tác phẩm đạt giải cao trong các kỳ liên hoan, cuộc thi khu vực do các tỉnh và Trung ương tổ chức.

Huyện uỷ Lạc Sơn gặp mặt những người làm công tác bảo tồn văn hoá truyền thống 

Ngày 15/3, Huyện uỷ Lạc Sơn tổ chức gặp mặt các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác, thực hành và báo chí, truyền thông về công tác bảo tồn văn hoá truyền thống dịp Xuân Giáp Thìn 2024. 

Festival phở năm 2024: Sức hấp dẫn của phở Việt

Phở là món ăn truyền thống lâu đời của người Việt. Phở được nhiều đầu bếp, chuyên gia, tạp chí quốc tế công nhận là một trong số các món ăn hấp dẫn trên toàn cầu.

Phường Dân Chủ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) có trên 35% dân số là người dân tộc Mường. Thời gian qua, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, phường luôn quan tâm công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Qua đó góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Kiểm tra công tác triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” tại huyện Lạc Sơn

Ngày 13/3, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023-2030 tại huyện Lạc Sơn.

Huyện Lương Sơn đón bằng di tích lịch sử cấp tỉnh đình Sấu Thượng, xã Thanh Cao

UBND huyện Lương Sơn vừa tổ chức Lễ đón bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đình Sấu Thượng, xã Thanh Cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục