Diễn ra từ ngày 18-8 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội), triển lãm "Hội họa, điêu khắc Việt Nam" là hoạt động chào mừng Đại hội Liên hiệp các hội UNESCO thế giới tổ chức tại Việt Nam. Đó thực sự là một triển lãm đẹp, phong phú, đa dạng và thấm đẫm tinh thần Việt.

 

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã quá tải trong chiều ngày 18-8. Sau giờ khai mạc triển lãm, bảo vệ bảo tàng phải đóng cổng do quá đông nghệ sĩ, công chúng tới xem triển lãm, cứ một nhóm người ra thì mới mở cửa cho một nhóm công chúng khác vào xem. Ít có một cuộc trưng bày mỹ thuật nào lại thu hút được đông đảo người xem như vậy.

Được tổ chức bởi Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, triển lãm thu hút tới 119 nghệ sĩ tham gia bày tranh, sắp đặt tạo nên một bức tranh đa sắc, phong phú về đề tài, thể loại, chất liệu sáng tác và phong cách mỹ thuật. Rất nhiều nghệ sĩ chọn sơn mài làm chất liệu cho tác phẩm của mình. Có tới một nửa số tranh trưng bày tại triển lãm thuộc thể loại hội họa truyền thống của Việt Nam với nhiều kỹ thuật, trường phái khác nhau. Vẻ đẹp của bức tranh nổi tiếng "Đánh cá đêm trăng" của cố họa sĩ Nguyễn Khang cũng có mặt tại đây, khiến nhiều người sững sờ ngưỡng mộ. Trên nền sơn mài đen, những chàng trai làng chài với nước da nâu bóng khỏe khoắn đang giăng lưới bắt cá. Ánh trăng bàng bạc trên đầu. Đàn cá bơi lấp lánh dưới sông. Bên cạnh sơn mài, nhiều thể loại tranh khác trưng bày, như tranh khắc thạch cao (bộ tranh "Sáng - trưa - tối" của Yên Trang), tranh đồng nổi ("Hạnh phúc" - Việt Quang), tranh gò đồng ("Chén khuya" - Hà Huy Hiệp), tranh lụa ("Thiên tạo" - Dương Văn Hà), tranh vải cắt dán, tranh sơn khắc, sơn dầu…

Các tác phẩm sắp đặt tại triển lãm có đường nét, sắc màu, hình khối gây ấn tượng mạnh về thị giác. Bộ tác phẩm "Trâu" của Lê Đình Nguyên tạo được sự thích thú hơn cả bởi những chú trâu bằng gỗ, thừng, sắt… và có hai tai là chiếc liềm cắt lúa như "Trâu nước" đặt trên tảng nước đá, "Trâu cối" mang hình dáng chiếc cối giã gạo, "Trâu tỉnh" với hai chú trâu đang giao hoan, hay "Trâu phố" là một đàn trâu trắng có vẻ đẹp đẽ nhưng ngơ ngác… Trong khi đó tác phẩm "Cái đầu mới" của Nguyễn Khắc Quân lại mang tới nhiều suy ngẫm với hình một đầu người bằng gốm, in hình nhiều tờ USD chằng chịt trên bề mặt.

Tuy nhiều tác giả tham gia, mỗi người một phong cách, song các tác phẩm đều toát lên tinh thần Việt. Người xem có thể cảm nhận được hơi ấm của quê nhà qua tác phẩm "Mái ấm" (Mạnh Hùng) vẽ bà cháu, mẹ con đang sum vầy trong căn bếp quê. "Cánh đồng vàng" của Văn Nghị đưa người yêu hội họa tới một cánh đồng lúa vàng rực hút mắt, thấp thoáng bóng nón trắng của những người nông dân chân chất đang cắt, gồng gánh lúa… tạo sự liên tưởng tới mùa gặt ở vùng nông thôn trù phú… Không chỉ phong cảnh, tranh chân dung cũng đậm hồn Việt, như bức "Chân dung" của Hữu Hùng vẽ một thiếu nữ có khuôn mặt phúc hậu với áo yếm, khăn vấn… hay bức "Tâm sự" (Xuân Lục) là hai chị em gái mặc áo dài, tóc huyền buông thả…

Triển lãm còn đưa người xem tới nhiều vùng, miền tươi đẹp của Việt Nam. Ngoài phần không nhỏ những bức tranh về cảnh sắc Hà Nội, còn là những em bé má đỏ hây hây dưới gốc mận ở cao nguyên đá Hà Giang ("Chợ mưa vùng cao" - Minh Hải), là những làng chài với chị em phụ nữ đang chờ cá ("Làng chài Lăng Cô" - Ngọc Dũng), là những miền quê của vùng đồng bằng Bắc bộ ("Làng" - Đức Cường), hay miền Tây Nam bộ với những rặng dừa xanh, thuyền chở đầy ứ hoa quả rực rỡ sắc màu nhiệt đới qua lại trên những con rạch ("Đất mũi Cà Mau" - Kông Ngoạn)…

Triển lãm thấm đẫm hồn Việt này mở cửa tự do cho người xem đến hết ngày 22-8.

 

                                          Theo HaNoiMoi

Các tin khác


Âm nhạc Hòa Bình - những nốt thăng đáng mừng

Với những nhạc sĩ, thi sĩ và những người yêu âm nhạc ở Hòa Bình, năm 2023 được xem là một mùa bội thu: nhiều tác phẩm được sáng tác mới, nhiều tác phẩm đạt giải cao trong các kỳ liên hoan, cuộc thi khu vực do các tỉnh và Trung ương tổ chức.

Huyện uỷ Lạc Sơn gặp mặt những người làm công tác bảo tồn văn hoá truyền thống 

Ngày 15/3, Huyện uỷ Lạc Sơn tổ chức gặp mặt các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác, thực hành và báo chí, truyền thông về công tác bảo tồn văn hoá truyền thống dịp Xuân Giáp Thìn 2024. 

Festival phở năm 2024: Sức hấp dẫn của phở Việt

Phở là món ăn truyền thống lâu đời của người Việt. Phở được nhiều đầu bếp, chuyên gia, tạp chí quốc tế công nhận là một trong số các món ăn hấp dẫn trên toàn cầu.

Phường Dân Chủ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) có trên 35% dân số là người dân tộc Mường. Thời gian qua, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, phường luôn quan tâm công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Qua đó góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Kiểm tra công tác triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” tại huyện Lạc Sơn

Ngày 13/3, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023-2030 tại huyện Lạc Sơn.

Huyện Lương Sơn đón bằng di tích lịch sử cấp tỉnh đình Sấu Thượng, xã Thanh Cao

UBND huyện Lương Sơn vừa tổ chức Lễ đón bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đình Sấu Thượng, xã Thanh Cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục