Cồng chiêng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Mường. Ảnh: Một buổi tập của đội cồng chiêng xã Tây Phong (Cao Phong). (Ảnh: Hồng Duyên)

Cồng chiêng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Mường. Ảnh: Một buổi tập của đội cồng chiêng xã Tây Phong (Cao Phong). (Ảnh: Hồng Duyên)

(HBĐT) - Qua một số lần được tiếp xúc, gặp gỡ và nói chuyện với ông Bùi Văn Tỉnh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, tôi biết ông là người rất tâm huyết với di sản văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa dân tộc Mường, vì ông cũng là dân tộc Mường. Thế rồi vào một buổi tối đầu tháng 4/2015, trong không khí chuẩn bị cho lễ ra mắt Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường và khi đã ấn định ngày chính thức, tôi đến nhà riêng của ông để mời ông tham dự lễ ra mắt của Bảo tàng.

 

Đến nhà, tôi được ông vui vẻ đón tiếp. Sau chén trà ngon, tôi sợ ông bận việc nên vội báo cáo sơ bộ về công việc chuẩn bị cho lễ ra mắt Bảo tàng Di sản văn hóa Mường, đồng thời đưa giấy mời ông đến dự. Được biết bảo tàng chúng tôi tổ chức lễ ra mắt, ông tỏ ra rất vui mừng, hào hứng hỏi chuyện và hứa sẽ đến dự, nếu trường hợp đặc biệt không thể bố trí đến được thì ông sẽ gửi lẵng hoa chúc mừng.

Tôi khoe với ông rằng tôi đang thực hiện đề tài nghiên cứu về âm nhạc “cò ke, ống kháo” của người Mường mà những năm gần đây tôi đã có một số bài viết trên góc độ nghiên cứu, sưu tầm, năm 2010 tôi đã xuất bản đĩa VCD về “âm nhạc cò ke, ống kháo vùng Mường Động”.

Câu chuyện càng lúc càng rôm rả và cuốn hút chúng tôi vào các chủ đề văn học nghệ thuật, văn nghệ dân gian và bản sắc văn hóa dân tộc. Chúng tôi nói đến cồng chiêng, bàn về mo Mường và sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”. Đang vui câu chuyện, tôi thấy ông có vẻ trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi nói: “Đã từ lâu và hiện nay tỉnh rất muốn trình để được tổ chức Unesco công nhận và đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại về di sản mo Mường, trong đó có sử thi “Đẻ đất, đẻ nước và văn hóa chiêng Mường”.

 

Tôi mạnh dạn bàn với ông “Được quá đi chứ nhưng có điều mình phải làm thế nào để thế giới công nhận, chắc chắn phải có những tiêu chí khắt khe. Muốn vậy mình phải làm thế nào để họ hiểu sâu sắc về mo Mường và chiêng Mường anh ạ. Nếu họ hiểu thì họ mới ủng hộ và giúp đỡ, vậy nên chăng mình đi mời các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực này để họ giúp đỡ và tư vấn đường đi nước bước cho chúng ta và đương nhiên là cần phải có thời gian nghiên cứu, quảng bá, giới thiệu, kể cả kinh phí nữa”. Nói đến việc muốn làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận, tôi được nghe một nhà nghiên cứu văn hóa kể lại rằng trước đây các vị quan chức của tỉnh muốn mời một nhóm các giáo sư, tiến sĩ, trong đó có giáo sư Tô Ngọc Thanh lên Hòa Bình để giúp đỡ. Nghe đâu các vị ấy đều vui vẻ nhận lời nhưng dặn đi, dặn lại  “Các ông muốn chúng tôi lên giúp thì các ông phải bày mâm cỗ lên với thật đầy đủ các món đặc sản của người Mường, đầy đủ các gia vị để giới thiệu thật kỹ với chúng tôi. Muốn giới thiệu được, chính các ông phải hiểu thật tường tận, thật sâu sắc về mâm cỗ và các món ngon cùng với các gia vị bày ra đó để giới thiệu với chúng tôi và kể cả thế giới cũng vậy. Mâm cỗ ngon, chúng tôi ăn thấy ngon và hiểu tường tận về nó, lúc đó, chúng tôi mới hiểu, mới giúp được và cùng các anh lập hồ sơ trình lên để được thế giới công nhận”.

 

Ngồi nói chuyện rất lâu về bản sắc văn hóa dân tộc, ông Bí thư Tỉnh ủy lại nói:  Tôi có thể mời được Trưởng đại diện UNESCO ở Việt Nam lên, nhưng băn khoăn vì mời thì được nhưng trình bày làm sao để người ta hiểu được những việc mà mình mong muốn họ giúp đỡ và phải làm thế nào để người ta hiểu được những di sản của mình. Ví dụ như mo Mường hay chiêng Mường hiện nay còn nhiều người chưa biết và chưa được phổ biến rộng rãi thì như vậy là rất khó.

 

Qua cuộc trò chuyện, tâm sự, bàn đạo như vậy, tôi mạnh dạn nói những suy nghĩ và cởi mở tấm lòng cùng ông với vốn hiểu biết ít ỏi của tôi về mo Mường, tôi nói “anh ạ, tôi và anh đều là người Mường gốc với bao đời nay như bản thân tôi đã có trong tay mấy quyển mo Mường, có những quyển xuất bản từ thời ông Bùi Văn Kín còn làm Bí thư Tỉnh ủy, đến những quyển mo Mường của tác giả Vương Anh ở Thanh Hóa. Hiện nay tỉnh cũng đã xuất bản quyển mo Mường dày mấy nghìn trang, nhưng nói thật khi đọc rất khó hiểu hoặc chưa hiểu hay không hiểu nhiều và cũng chỉ hiểu chung chung mà thôi. Tôi cũng quen biết nhiều người có kiến thức hay học vị, hỏi họ cũng trả lời như vậy. Tại sao các ông mo lại thuộc và hiểu thế. Đấy là con số ít và là người có yếu tố tâm linh gia truyền. Đến mình còn như vậy, việc làm sao cho thế giới và Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam hiểu được quả là rất khó”. Nói đến đây tôi sực nhớ và  liền khoe với ông là sau buổi ra mắt Bảo tàng, tôi chuẩn bị kịch bản dàn dựng chương trình cho một nhóm các nghệ nhân Mường Hòa Bình đi Băng Cốc (Thái Lan) trình diễn trích đoạn trong lễ hội “khuống mùa” và trong mo Mường về đẻ thóc, đẻ gạo. Tôi nói đã chuẩn bị chương trình đi dự “Chương trình những góc cạnh về lúa gạo” do Tổ chức Lương thực Đông Nam Á tổ chức. Để chuẩn bị dàn dựng chương trình, tôi đã dành 2- 3 ngày vào gặp các ông mo ở Mường Bi để hỏi và sưu tầm, cộng với chút kiến thức của mình khi dựng trích đoạn lễ hội “Khuống mùa” cho huyện Lạc Thủy, được giải B trong dịp kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh và đi sâu vào lúa gạo về sự tích đẻ lúa, đẻ gạo trong mo Mường. Tôi đã kể qua với Bí thư Tỉnh ủy sự tích đẻ thóc, đẻ gạo trong mo Mường cũng như cả chương 13 trong mo Mường của Vương Anh ở Thanh Hóa. Qua nghiên cứu thấy sự tích trong mo Mường Hòa Bình và mo Mường Thanh Hóa có nhiều điểm  giống nhau.

 

Nói đến chương 13 trong mo Mường Thanh Hóa và róng (chương) của mo Mường Bi và khi nghiên cứu, đi sâu vào róng mo này tôi mới thật sự hiểu tường tận ý nghĩa cốt truyện, sự lôgíc của sự tích đẻ thóc, đẻ gạo và nếu ta đi sâu tìm hiểu, phân tích, dịch thuật từng chương một sẽ hiểu sâu hơn, dễ nhớ, dễ hiểu và như vậy, các chương khác (hay các róng mo khác) cũng vậy. Nếu cứ lần lượt bóc tách từng chương thì mọi người sẽ dễ hiểu.

 

Tôi nói đến róng mo của ông mo Mường Bi và chương 13 của mo Thanh Hóa rồi kể sự tích về đẻ thóc, đẻ gạo trong mo Mường Hòa Bình, ông rất thích và chăm chú nghe, rồi ông nói đi, nói lại rằng: Anh ạ, có lẽ sau này hay tới đây ta phải “đi” từng chương (từng róng mo một). Hiểu hết chương này, ta mới tìm hiểu chương khác và cứ lần lượt như thế chắc chắn sẽ hiểu hết cả quyển mo Mường, như thế có lẽ dễ làm và dễ hiểu hơn. Đây cũng là một cách làm hay, ta nên bàn.

 

Mặc dù rất bề bộn công việc, là Bí thư Tỉnh ủy nhưng ông Bùi Văn Tỉnh rất quan tâm, tâm huyết với văn hóa dân tộc nói chung và mo Mường, chiêng Mường nói riêng, một người lãnh đạo cao nhất tỉnh muốn và quan tâm như vậy là một thuận lợi lớn. Hy vọng, mo Mường và chiêng Mường sớm muộn cũng sẽ được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật của nhân loại.

 

       

                            Một cảnh trong lễ hội "Khuống mùa".  

 

 

Nhiều năm tôi luôn đau đáu mong muốn làm được điều gì cho quê hương. Cuối tháng 5/2015, tôi vinh dự được mời đến dự lễ đón nhận bằng bảo trợ của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cho di sản mo Mường. Tôi rất vui mừng và phấn khởi bởi những điều trăn trở, mong muốn tâm huyết với văn hóa Mường cũng từng bước được vinh danh và bài viết này tôi có hàm ý như một thông điệp để mọi người, các cơ quan chức năng hoặc những ai quan tâm đến mo Mường, đến chiêng Mường cùng suy ngẫm, bàn đạo thêm nên thế nào? Như tôi đã nói ở phần trên, hay chăng tách từng róng mo (chương) ra để phân tích, dịch thuật. Trước hết phải hiểu được ý nghĩa của từng róng mo, cái hay, cái đẹp cũng như nội dung của nó mới dần dần thấm đẫm và giới thiệu, tuyên truyền để mọi người cùng hiểu, khi nhiều người hiểu mới trở nên nổi tiếng để trong nước và thế giới biết đến. Từ đó, ta đề nghị vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại chắc không khó.

 

Ta có nên từng bước đi vững chắc và làm theo cách ấy không? Tôi tự nghĩ, nếu không làm theo cách này mà hội thảo hay phân tích gì đó cả một quyển mo Mường dày và nặng 3 - 4 kg chắc không thể hiểu hết được.

                                                    

 

                                                       Bùi Thanh Bình

            (Bảo tàng di sản văn hóa Mường - tổ 6, P.Thái Bình - TPHB)

 

 

 

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục