(HBĐT) -Từng vào sinh ra tử, đối diện với ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, cùng nhau chiến đấu anh dũng trong các cuộc kháng chiến trường kỳ cứu quốc, trở về với cuộc sống thời bình, những cựu chiến binh (CCB) năm xưa tiếp tục phát huy phẩm chất truyền thống quý báu của "Người lính Cụ Hồ". Dù ở bất cứ cương vị, hoàn cảnh nào, tinh thần của người lính vẫn luôn sôi sục, nhiệt huyết, mong muốn đóng góp công sức xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.


Cán bộ, hội viên cựu chiến binh thăm quan mô hình kinh tế của gia đình ông Bùi Văn Sẹt (ngoài cùng bên phải), xóm Tôm Trên, xã Tân Lập (Lạc Sơn).

Sẻ chia nỗi đau cùng đồng đội

"Là một pháo thủ tham gia chiến đấu tại mặt trận phía Bắc Sài Gòn năm 1975 và mất 41% sức khoẻ do nhiễm chất độc da cam/dioxin. Mặc dù sức khoẻ giảm sút, trên cơ thể chằng chịt những vết thương chiến tranh, tuy nhiên tôi thấy mình thật may mắn vì còn sống bởi rất nhiều đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường năm xưa…”, đó là tâm tư của ông Tạ Quang Biên,  Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh vào những ngày tháng 4 lịch sử. 

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1972, ông Tạ Quang Biên nhận nhiệm vụ ở Bộ Tư lệnh pháo binh đóng quân tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Tháng 10/1973, ông được tăng cường, củng cố lực lượng cho Sư đoàn 312 với nhiệm vụ là pháo thủ số 1. Mùa xuân năm 1975, Sư đoàn 312 cùng các đơn vị tham gia những trận đánh quyết liệt tại mặt trận phía Bắc Sài Gòn với nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Phú Lợi, tiến công Lai Khê và một số vị trí trọng yếu khác, góp sức cùng Quân đội Nhân dân Việt Nam giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ tháng 8/1976, ông Biên tham gia công tác tại Tổng Cục kỹ thuật và nghỉ hưu vào tháng 7/2010. Trở về địa phương sinh sống, ông được cấp uỷ, chính quyền các cấp tín nhiệm, bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Hoà Bình.

Trên cương vị mới, ông Biên tiếp tục phát huy phẩm chất truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ”, hăng say, nhiệt tình trong hoạt động hội. Giai đoạn 2010 - 2020, với vai trò là người đứng đầu Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố, ông Biên chủ động tham mưu cấp uỷ, chính quyền các cấp thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách kịp thời đối với hội viên. Tăng cường công tác phối hợp với các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tổ chức hoạt động thăm hỏi, chăm lo đời sống hội viên, đảm bảo an sinh xã hội… Cụ thể, đã xây dựng trên 100 căn nhà với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng; trao tặng 5.000 suất quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn trong các dịp lễ, Tết… Với những thành tích đó, tại Đại hội Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh lần  thứ III, nhiệm kỳ 2021 - 2026, ông Tạ Quang Biên được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội.

Tiên phong trong cuộc chiến chống "giặc nghèo”

"Nhiệt huyết, cần cù, chịu khó” là những ấn tượng khi tiếp xúc với ông Bùi Văn Sẹt, CCB xóm Tôm Trên, xã Tân Lập (Lạc Sơn). Đã gần 75 tuổi nhưng người lính cựu vẫn năng nổ, chăm lo cho kinh tế gia đình với trang trại VAC rộng hơn 1 ha. 

Ông Sẹt chia sẻ: "Lên đường nhập ngũ năm 1971 và trực tiếp tham gia chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Thời gian trong quân ngũ đã rèn luyện tôi ý chí sắt đá, dám xông pha, đương đầu với những khó khăn và sẵn sàng hy sinh để đổi lấy sự bình yên cho đất nước. Năm 1977, tôi xuất ngũ trở về sinh sống và làm việc tại địa phương. Thời điểm bấy giờ kinh tế khó khăn chung, thiếu thốn đủ thứ. Tuy nhiên với tâm niệm "mỗi người lính là một chiến sỹ trên mặt trận chống đói nghèo”, tôi luôn tìm tòi, học hỏi đủ thứ nghề, phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương”. 

Bắt tay vào phát triển trang trại VAC từ năm 2011, đến nay, diện tích vườn của gia đình ông Sẹt được mở rộng quy mô gần 500 gốc cam Canh, lòng vàng, V2. Duy trì phát triển chăn nuôi tổng hợp với hệ thống chuồng trại kiên cố. Niên vụ 2021 - 2022, mô hình trồng cây có múi của gia đình ông xuất ra thị trường trên 4 tấn quả, giá bình quân dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/ kg, cao điểm lên đến 30.000 đồng/ kg. Lợi nhuận ước đạt trên 300 triệu đồng đã trừ chi phí. 

Đồng chí Bùi Hữu Ngạn, Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: "Phát huy phẩm chất truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ” trên các lĩnh vực: xây dựng Đảng, chính quyền, thi đua lao động sản xuất, phát triển KT-XH… những người lính cựu luôn sáng tạo, tiên phong trong các phong trào thi đua, cuộc vận động do T.Ư và địa phương phát động. Luôn thể hiện tình đồng chí, đồng đội, đoàn kết giúp nhau cùng phát triển, vững bước đi lên. Tiếp nối truyền thống hào hùng của dân tộc, lực lượng CCB tiếp tục phát huy trí tuệ, bản lĩnh, truyền lửa cho thế hệ trẻ, khẳng định là lực lượng tin cậy của Đảng, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh”.

 
Đức Anh

Các tin khác


Bí thư chi đoàn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi cá lồng

Qua tìm hiểu, anh Nguyễn Văn Lân, Bí thư chi đoàn tổ Vôi, phường Thái Bình, TP Hòa Bình đã tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có của quê hương, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, trở thành tấm gương sáng về khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn.

Thoát nghèo từ mô hình nuôi ong và trồng bưởi đỏ

Tận dụng lợi thế đồi rừng, những năm qua, nông dân xã Tử Nê, huyện Tân Lạc đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó có nghề nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu là gia đình anh Bùi Văn Liêm ở xóm Cú. Với ưu thế nhà gần rừng có nhiều loại cây và các loại hoa rừng, tốt cho việc nuôi ong, anh Liêm đã tìm tòi, học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hộ nuôi ong trong vùng, từ đó đầu tư trên 50 tổ ong nuôi lấy mật.

Khởi nghiệp từ đặc sản quê hương

Nhận thấy quê hương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, anh Hà Công Hưng, Phó Bí thư Đoàn xã Mai Hịch (Mai Châu) bắt tay vào làm sản phẩm thịt gác bếp với mong muốn mang đặc sản của quê hương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bùi Đình Văn - gương sáng phát triển kinh tế

Trong những năm qua, phong trào đoàn viên, thanh niên vượt khó làm kinh tế được tuổi trẻ xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc tích cực hưởng ứng. Ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên bằng khát vọng vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm đi lên từ hai bàn tay trắng để trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện.

Người phát triển nghề mây tre đan trên quê hương Mường Động

Từ một phụ nữ thuần nông, chị Nguyễn Thị Nhung ở xóm Quê Rù, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) mạnh dạn về xuôi tìm hiểu và theo học làm mây tre đan với mong muốn chuyển đổi nghề, từng bước cải thiện sinh kế. Sau nhiều nỗ lực, chị trở thành người có tay nghề vững, được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện mời về làm giáo viên thỉnh giảng. Quá trình giảng dạy chị vừa truyền nghề, vừa đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho học viên.

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

Bà Nguyễn Thị Nụ ở tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) được biết đến là người phụ nữ giản dị, giàu lòng nhân ái. Mặc dù kinh tế gia đình không dư giả nhưng với gần 10 năm làm công tác thiện nguyện cũng đủ nói lên tấm lòng nhân ái, sống có trách nhiệm, biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn của bà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục