(HBĐT) - Đến thời điểm này, có thể khẳng định ở cả 2 miền Bắc, Nam vẫn chưa có cơ sở, doanh nghiệp nào thực hiện chuyển giao công nghệ chế biến các sản phẩm từ cam ngoài HTX Hà Phong tại khu I, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong. Anh Lê Văn Cương (SN 1981), Giám đốc HTX là người đã mạnh dạn, tiên phong chuyển giao công nghệ, cho ra đời những sản phẩm mới. Sản phẩm đang thu được tín hiệu tốt từ thị trường và được người tiêu dùng đón nhận.


Khởi đầu từ bài toán "đầu ra" cam Cao Phong

Niên vụ 2018 - 2019, sản lượng cam Cao Phong đạt 3,4 vạn tấn. Với diện tích trồng cam mở rộng không riêng ở thủ phủ cam Cao Phong mà phạm vi toàn tỉnh và cả nước, thị trường tiêu thụ sản phẩm cam quả đã lường trước sự cạnh tranh khốc liệt, bài toán khó về đầu ra. Kể từ niên vụ 2015 - 2016 đến nay, huyện Cao Phong tăng cường xúc tiến, quảng bá thương hiệu, xây dựng vùng trồng cây ăn quả có múi VietGAP giúp thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao uy tín, chất lượng, bảo vệ thương hiệu cam Cao Phong. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở tiêu thụ sản phẩm cam tươi là chưa đủ và khó đạt được mục tiêu đầu ra ổn định, bền vững.

Khu sản xuất trồng cây ăn quả có múi của HTX Hà Phong tập trung ở xóm Môn, xã Bắc Phong với diện tích 300 ha, trong đó khoảng 280 ha ở thời kỳ khai thác kinh doanh, sản lượng niên vụ 2018 - 2019 đạt gần 1.000 tấn. Để đảm bảo phát triển sản xuất, nâng cao và ổn định đời sống, thu nhập của các thành viên, vấn đề đầu ra của sản phẩm luôn đặt ra những trăn trở. Cuối năm 2016, khi HTX Hà Phong thành lập, anh Cương với trọng trách "đầu tàu" liên kết các hộ trồng cam để gia tăng nguồn lực, tạo ra giá trị sản phẩm uy tín đã tập trung vào khâu sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cam đảm bảo an toàn thực phẩm, tìm kiếm bạn hàng và các đầu mối tiêu thụ lớn, hợp tác lâu dài. Hiện vùng cam được anh xây dựng đạt tiêu chuẩn VietGAP có diện tích gần 200 ha. Anh đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các nhà hàng, siêu thị lớn tại Thủ đô Hà Nội như Big C, Hapro..., duy trì mối quan hệ đối tác tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố của miền Bắc, gồm: Hải Phòng, Nam Định, Sơn La, Điện Biên, Hà Nam, Phú Thọ...


Giám đốc 8X Lê Văn Cương (thứ 3 từ phải sang) sản xuất và đưa ra thị trường những sản phẩm chế biến từ cam quả.

Trong lúc nỗi lo đầu ra, tìm kiếm chỗ đứng cho sản phẩm cam của HTX trên thị trường đang đau đáu, anh tình cờ gặp cơ hội khi có dịp đến thăm quan, học tập kinh nghiệm tại tỉnh Nghệ An. Chương trình do UBND huyện Cao Phong tổ chức năm 2018. Tại đây, anh Cương bị thuyết phục bởi quy trình chế biến một số sản phẩm làm ra từ cam quả của một cơ sở sản xuất còn khá thủ công, do tổ chức Jica hỗ trợ. Tuy những việc cơ sở bạn làm còn sơ khai, chỉ mang tính chất tham khảo nhưng qua đó đã lóe lên trong anh ý nghĩ phải nắm bắt nhanh, tranh thủ công nghệ để tạo đà phát triển.

Tháng 11/2018, khi cam quả tươi vào độ chín là lúc anh Cương tiến hành chế biến thử nghiệm một số sản phẩm. Trước đó, được sự gợi mở, hướng dẫn của UBND huyện, anh tra cứu, tìm kiếm thông tin để chọn đối tác chuyển giao công nghệ chế biến, đó là Viện Nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam.

Bước đột phá từ sản phẩm thô sang sản phẩm công nghệ

Lâu nay, người sản xuất ở các vùng cam chủ yếu xuất sản phẩm thô (cam tươi), vấn đề bảo quản, tiêu thụ phụ thuộc lớn vào yếu tố mùa vụ. Khi đưa công nghệ vào chế biến cam quả giải quyết được nhiều vấn đề, không chỉ tạo sản phẩm mới, tăng thu nhập, việc làm mà còn xử lý tình trạng tồn đọng, dư thừa sản phẩm, bảo quản sản phẩm lâu dài.

Dây chuyền công nghệ được đặt tại khu sản xuất ở xóm Môn, xã Bắc Phong. Tại đây, anh Cương sử dụng 20 lao động, trong đó, hệ thống máy móc vận hành tự động các khâu chiết xuất tinh dầu, sấy, lọc rượu, đóng chai, người lao động thực hiện các phần việc: rửa, cắt gọt, đóng gói... Từ tháng 11/2018 đến nay, HTX đã vận hành và sản xuất thử nghiệm, ra mắt thị trường 9 sản phẩm, gồm: rượu cam, rượu men cam (chiết xuất từ tinh dầu và ruột cam ủ lên men), nước cốt cam, nước cam lên men, tinh dầu cam, xà phòng cam, mứt cam, mứt vỏ cam và trà chanh đào mật ong. Theo anh Cương, mọi thành phần của quả cam từ vỏ, ruột (trừ hạt) đều được chế biến thành các sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách hàng.

Từ đây, HTX Hà Phong đưa ra thị trường các sản phẩm chế biến từ cam quả, chuyển một phần sản lượng từ thô sang công nghệ chế biến nhằm giới thiệu, ra mắt người tiêu dùng những sản phẩm mới từ cam có chất lượng tốt, lạ miệng, thơm ngon. Các sản phẩm sau khi sản xuất thử nghiệm được mang đi thử test, được cấp phép của cơ quan chức năng trước khi ra mắt người tiêu dùng. Dựa vào thị hiếu, nhu cầu của khách hàng, anh Cương cân đối nguyên liệu đầu vào. Đến nay đã chế biến trên 70 tấn cam tươi cho ra thành phẩm rượu, nước cốt, nước ép, mứt cam, mứt vỏ cam. Sản phẩm hiện có mặt tại các siêu thị, cửa hàng, đại lý tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, chiếm được sự ủng hộ và ưa thích của đông đảo người tiêu dùng.

Tự tin vươn tới thị trường xuất khẩu

Năm 2018, HTX Hà Phong đạt được những dấu mốc đáng tự hào: Trang trại đạt mục tiêu sản lượng 1.000 tấn. Sản phẩm đồng hành trên các chuyến bay của Việt Nam Airline, góp phần nâng tầm cam Cao Phong trở thành thương hiệu mạnh. Tự hào hơn, cùng với bứt phá về công nghệ, Hà Phong đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên thực hiện chuyển giao công nghệ chế biến cam quả của cả nước. Giám đốc Lê Văn Cương tự tin: Sản phẩm hiện đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn xuất sang các nước. HTX sẽ không dừng lại ở việc thăm dò, thâm nhập thị trường nội địa mà tới đây sẽ đầu tư về dây chuyền công nghệ chế biến tiên tiến, hiện đại hơn.

Tỉnh đã có quyết định cho phép HTX Hà Phong, chủ đầu tư là DNTN xây dựng Quang Hà - chi nhánh Cao Phong đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hoa quả có dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại với vốn tự có của doanh nghiệp khoảng 26 tỷ đồng (chiếm 20% tổng vốn đầu tư), còn lại là vốn vay ngân hàng nhằm nâng cao chất lượng, công suất. Tỉnh cũng dành 2,7 ha quỹ đất xây dựng nhà máy chế biến. Theo vị giám đốc 8X, nhà máy chế biến hoa quả sẽ khởi công xây dựng vào năm 2020. Việc mở rộng sản xuất, đưa công nghệ chế biến đạt tiêu chuẩn châu Âu vào chế biến cam quả, trong tương lai không xa sẽ giải quyết được hàng vạn tấn sản phẩm, đảm bảo việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương. Vấn đề lưu trữ sản phẩm tươi phục vụ dây chuyền sản xuất đảm bảo kéo dài ít nhất 6 tháng, đủ để vận hành dây chuyền công nghệ quanh năm.


Bùi Minh


Các tin khác


Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp

(HBĐT) - Thời gian qua, cùng với thực hiện hiệu quả hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả 3 chương trình đồng hành với thanh niên trong học tập; khởi nghiệp, lập nghiệp; rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa, tinh thần trong đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Trong đó, chương trình "Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” tạo thành phong trào có sức lan tỏa rộng, hàng trăm mô hình phát triển kinh tế của thanh niên đã được xây dựng đạt hiệu quả cao.

Đoàn Thanh niên thị trấn Hàng Trạm hỗ trợ thanh niên lập nghiệp

(HBĐT) - Phong trào "Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” được Đoàn Thanh niên thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) chú trọng thực hiện trong thời gian qua. Với sự ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương và nỗ lực từ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) đã xuất hiện nhiều gương thanh niên làm kinh tế giỏi tiêu biểu.

Đoàn xã Phú Nghĩa: Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên

(HBĐT) - Những năm qua, Đoàn xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) đã triển khai nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong phát triển kinh tế, tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đầu tư xây dựng mô hình. Qua đó tạo điều kiện cho ĐVTN phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Thắp lửa tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên xã Ngọc Lương

(HBĐT) - Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, tuổi trẻ xã Ngọc Lương (Yên Thủy) luôn khát khao lập thân, lập nghiệp với nhiều cách làm hay, sáng tạo, không ngừng đóng góp ý tưởng khởi nghiệp, thi đua lao động sản xuất trên các lĩnh vực nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuổi trẻ tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu, tích cực đóng góp công sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Tuổi trẻ thị trấn Mãn Đức thi đua khởi nghiệp sáng tạo

(HBĐT) - Có lợi thế vị trí địa lý nằm ở khu vực trung tâm huyện với hệ thống đường giao thông thuận tiện, dân cư đông đúc, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) không ngừng nỗ lực sáng tạo, thi đua lao động sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống. Qua đó đã triển khai xây dựng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của tuổi trẻ trong xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Đoàn phường Thái Bình tiếp lửa phong trào khởi nghiệp sáng tạo

(HBĐT) - Phường Thái Bình (TP Hòa Bình) có trên 2.000 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), trong đó khoảng 400 ĐVTN là lực lượng nòng cốt trong thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo của tuổi trẻ, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Đồng thời khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của thế hệ trẻ trong xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục