(HBĐT) - Với niềm đam mê lan rừng, cách đây 8 năm, từ người làm nghề sửa xe máy và buôn bán xe máy cũ, anh Hoàng Ngọc Định ở khu 1, thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn) đã bỏ công việc gắn bó với mình, quyết định rẽ hướng khởi nghiệp trồng hoa lan.


Khởi nghiệp từ 5 triệu đồng

Trước mặt chúng tôi là khu vườn lan rừng và hoa hồng các loại, chủ nhân là anh Hoàng Ngọc Định. Trong khu vườn có 300 giò lan lớn nhỏ, với hơn 1.000 cây hồng. Trong đó, giống lan rừng là chủ yếu và mấy chục giò lan đột biến. Anh Định kể, trong 1 chuyến đi chơi ở Mai Châu, khi về qua đèo Đá Trắng dừng chân nghỉ uống nước, thấy người dân bán nhiều lan rừng chủ yếu là phi điệp, anh rất hứng thú và có ý tưởng tạo vườn lan như vậy ở nhà nên đã mua cả xe lan với tất cả số tiền mình có khoảng 5 triệu đồng. Chở xe lan về nhà, anh chia sẻ ý định trồng lan đã bị người thân phản đối kịch liệt. Bởi lẽ mọi người cho rằng, công việc sửa chữa xe máy và buôn bán xe máy cũ mới cho thu nhập khá ổn định. Trong khi đó, anh Định không có kiến thức về cách trồng và chăm sóc lan. Vượt qua những ý kiến trái chiều cùng tình yêu mãnh liệt với vẻ đẹp của lan, anh Định quyết định khởi nghiệp từ trồng lan.


Anh Hoàng Ngọc Định chăm sóc giò lan giáng hương tam bảo sắc.

Lúc đầu do lan chưa thuần với khí hậu nên chết mất một nửa, nhiều cây sống nhưng không ra hoa. Không nản chí, anh Định dành thời gian tự tìm hiểu thông qua bạn bè, mạng xã hội. Rồi anh đến các nhà vườn lan lớn, nhỏ trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, anh mua lan theo cân về ghép, cao điểm anh mua cả tạ lan bên Lào về ghép. Sau 2 năm, anh bắt đầu chuyển sang kinh doanh theo hình thức "lấy mỡ nó rán nó”. Cứ ghép được giò lan đẹp là anh đăng lên mạng, có khách mua thì bán. 8 năm bén duyên với lan đã cho anh Định nhiều kinh nghiệm. Anh chia sẻ, sở dĩ lan rừng được chuộng bởi chúng có sức sống bền bỉ. Tuy nhiên, để lan thích nghi với vườn nhà và sớm ra hoa, người chơi lan rừng phải mất từ 2-3 năm hoặc nhiều hơn nữa để thuần dưỡng hoa. Trong quá trình đó, lan cần nhận được sự chăm sóc tỉ mỉ và quan tâm đặc biệt.

Hiện, vườn lan của anh chủ yếu là các loại phi điệp… đem lại giá trị cao, trung bình bán 500.000 đồng/ngọn.

Theo anh Định, việc xây nhà giàn, mái che cho lan rất quan trọng, tránh cho cây chịu rét và nóng nhưng phải đảm bảo cây vẫn hứng được sương, gió và nước mưa, bởi phong lan sống chủ yếu bằng khí trời. Nhiều người lầm tưởng cứ tưới nhiều, bón phân đạm nhiều là tốt nhưng tưới nhiều cây dễ úng, chết ngạt, thối rễ. Nguyên tắc tưới lan là giữa 2 lần tưới, gốc cây phải khô, giò ẩm thì không tưới. Lan là loài phát triển chậm nên phải dùng loại phân tưới tan chậm trong 180 ngày và là phân hữu cơ tổng hợp. Mới đầu dùng loại phân kích thích mọc rễ, tăng trưởng, sau 3 tháng kích thích phát triển thân, lá, gần mùa hoa thì kích thích hoa và rễ phát triển.

Nhìn cách anh Định say sưa nói và tỉ mỉ chăm sóc lan, tôi hiểu với anh không hoàn toàn coi lan như phương tiện mưu sinh, làm giàu, lan là thú chơi để thỏa mãn niềm đam mê thanh cao trong tâm hồn.

Ngã rẽ khởi nghiệp

Với sự phát triển của mạng xã hội, việc giao dịch mua bán lan cũng nhanh chóng và thuận tiện. Việc mua bán diễn ra trong phạm vi cả nước. Theo anh Định, hiện nhu cầu thị trường rất "khát” các loại lan đột biến. Có gia đình bán lan đột biến 500.000 đồng/cm hoặc có khi lan được tính bán theo nhánh với giá 1 - 3 triệu đồng/nhánh, tùy loại, tùy dòng. Anh Định cho biết, hồi tháng 4, anh mua 1 ngọn phi điệp đột biến ở Bến Tre dài khoảng 40 cm đang có nụ với giá 20 triệu đồng. Sau 6 tháng chăm sóc nở 2 bông hoa, nhánh dài 60 cm, anh quay clip chia sẻ trên mạng xã hội, đã có khách ở Hà Nội đến mua với giá 300 triệu đồng.

Cách đây 3 năm, thấy nhu cầu chơi hoa hồng của người dân tăng cao. Anh Định đầu tư mua 600 m2 đất ruộng để trồng hoa hồng. Đầu tiên là trồng hồng giâm cành, chiết ghép. Sau đó, anh lên mạng tìm nguồn giống và mua các giống hồng ngoại, hồng cổ Sapa, hồng cổ Hải Phòng… Giờ vườn nhà anh có khoảng 1.000 cây hồng các loại với giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng. Đi giữa vườn hồng ngát hương, anh bảo hoa nở đẹp xong tàn rụng rất lãng phí. Do đó từ đầu năm anh đầu tư nồi chưng cất làm nước hoa hồng từ những bông hồng ngoại theo cách thủ công. Cứ 10 ngày 1 lứa, mỗi tháng chưng cất 3 lần, được 200-300 chai. Tính đến nay đã sản xuất được khoảng 3.000 chai, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Vì là sản phẩm thủ công, không có hóa chất và chất bảo quản nên được khách hàng tin dùng, chủ yếu phục vụ chị em dưỡng da.

Đến nay, gia đình toàn tâm toàn ý ủng hộ anh trồng và kinh doanh hoa lan, hoa hồng. Từ giữa năm 2018, anh đầu tư mở cửa hàng bán lan, hồng và các vật tư phục vụ cho thú chơi hoa.

Sau 8 năm bén duyên với lan, anh Định đúc kết thành những bí quyết trồng lan phù hợp cho vườn lan của mình. Theo anh, muốn lan phát triển tốt thì khâu kỹ thuật và quy trình chăm sóc cần được đặc biệt chú trọng. Ngoài 3 yếu tố cơ bản là độ ẩm, ánh sáng, độ thông thoáng, một yếu tố quan trọng không kém đó chính là tình yêu đối với hoa lan.

Hơn 8 năm nghiên cứu tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm trồng lan khắp nơi, bằng sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, nuôi ước mơ làm giàu từ hoa lan, anh Hoàng Ngọc Định đã "sống” được từ vườn lan và dần tạo thương hiệu cho vườn lan của mình.


Đinh Thắng


Các tin khác


Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp

(HBĐT) - Thời gian qua, cùng với thực hiện hiệu quả hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả 3 chương trình đồng hành với thanh niên trong học tập; khởi nghiệp, lập nghiệp; rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa, tinh thần trong đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Trong đó, chương trình "Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” tạo thành phong trào có sức lan tỏa rộng, hàng trăm mô hình phát triển kinh tế của thanh niên đã được xây dựng đạt hiệu quả cao.

Đoàn Thanh niên thị trấn Hàng Trạm hỗ trợ thanh niên lập nghiệp

(HBĐT) - Phong trào "Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” được Đoàn Thanh niên thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) chú trọng thực hiện trong thời gian qua. Với sự ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương và nỗ lực từ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) đã xuất hiện nhiều gương thanh niên làm kinh tế giỏi tiêu biểu.

Đoàn xã Phú Nghĩa: Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên

(HBĐT) - Những năm qua, Đoàn xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) đã triển khai nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong phát triển kinh tế, tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đầu tư xây dựng mô hình. Qua đó tạo điều kiện cho ĐVTN phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Thắp lửa tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên xã Ngọc Lương

(HBĐT) - Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, tuổi trẻ xã Ngọc Lương (Yên Thủy) luôn khát khao lập thân, lập nghiệp với nhiều cách làm hay, sáng tạo, không ngừng đóng góp ý tưởng khởi nghiệp, thi đua lao động sản xuất trên các lĩnh vực nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuổi trẻ tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu, tích cực đóng góp công sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Tuổi trẻ thị trấn Mãn Đức thi đua khởi nghiệp sáng tạo

(HBĐT) - Có lợi thế vị trí địa lý nằm ở khu vực trung tâm huyện với hệ thống đường giao thông thuận tiện, dân cư đông đúc, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) không ngừng nỗ lực sáng tạo, thi đua lao động sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống. Qua đó đã triển khai xây dựng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của tuổi trẻ trong xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Đoàn phường Thái Bình tiếp lửa phong trào khởi nghiệp sáng tạo

(HBĐT) - Phường Thái Bình (TP Hòa Bình) có trên 2.000 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), trong đó khoảng 400 ĐVTN là lực lượng nòng cốt trong thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo của tuổi trẻ, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Đồng thời khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của thế hệ trẻ trong xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục