(HBĐT) - Từng gặp vấn đề khá nghiêm trọng về sức khỏe liên quan đến thực phẩm, chị Bùi Bích Liên ở tổ dân phố Đình 2, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã trăn trở rất nhiều trước khi tìm hiểu, quyết định chọn Hòa Bình là điểm xây dựng nông trại Orfarm Thủy Thiên Nhu (mô hình trang trại sạch nhất Việt Nam).


Các chuyên gia Nhật Bản thăm và đánh giá cao mô hình trang trại chăn nuôi sạch của chị Bùi Bích Liên tại xã Phú Thành (Lạc Thủy)

Nơi "đất lành, chim đậu”

Những năm gần đây, không riêng chị Liên mà còn nhiều người tiêu dùng khác có lo lắng, băn khoăn chung và nhu cầu săn tìm các loại thức ăn an toàn. Đây là lý do thôi thúc chị - một công dân thành thị chưa từng làm nông nghiệp gác công việc cũ, "rẽ lối” sang một nghề mới mẻ, đó là nghề nông.

Đi sâu vào nghiên cứu, tìm hiểu trong tài liệu, sách báo, các kênh truyền hình, chị Liên biết được muốn xây dựng mô hình trang trại sạch thì trước tiên nơi đặt địa điểm phải hội tụ đủ các điều kiện an toàn, sạch về đất, nước, không khí, môi trường. Đã đi nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước trước khi lên Hòa Bình, chị Liên cẩn trọng trong tìm kiếm để rồi sau nhiều ngày mải miết, chị đã chọn vùng quê Phú Thành (Lạc Thủy) là chốn "đắc địa” dừng chân để đầu tư thực hiện ý tưởng. Nơi đây không chỉ đáp ứng các tiêu chí và yêu cầu xây dựng mô hình trang trại sạch mà còn thuận lợi về giao thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh.

Điều quý giá nhất mà chị tìm thấy ở xã Phú Thành là có môi trường nông thôn tự nhiên gần gũi, điều kiện sản xuất tự nhiên phù hợp, nguồn đất, nước ít bị tác động bởi hóa chất, ô nhiễm. Một nguồn lợi khác vô cùng quan trọng bởi Lạc Thủy cũng chính là vựa nông sản ngô, lúa, đậu tương giúp chủ động và thuận tiện về nguyên liệu thức ăn phục vụ sản xuất tại nông trại sau này.

Năm 2013, chị Liên huy động mọi vốn liếng, kể cả vay mượn thêm để đầu tư nông trại. Đến năm 2014, khi cơ sở vật chất đã đáp ứng các yêu cầu sản xuất, kinh doanh cũng là lúc chị bắt đầu khởi nghiệp với mô hình nông trại sạch đặt tên Thủy Thiên Nhu. Nhờ lựa chọn đúng địa điểm có môi trường tốt, vùng nguyên liệu dồi dào đã góp phần giúp hoạt động của nông trại theo chiều hướng thuận lợi và vận hành suôn sẻ.

Nông trại hữu cơ chất lượng cao đạt tiêu chí "3 Không"

Chia sẻ về quyết định và khởi đầu xây dựng nông trại hữu cơ chất lượng cao đạt tiêu chí "3 Không", chị Liên cho hay: Những tài liệu về chăn nuôi, công nghệ vi sinh hữu hiệu (EM) tiên tiến của Nhật Bản đã đặc biệt cuốn hút và thuyết phục chị. Đây là một dự án của Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ phát triển cộng đồng triển khai tại hơn 100 quốc gia. Liên hệ với các chuyên gia Nhật Bản, chị nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ việc tư vấn, hướng dẫn lựa chọn con giống, chế biến thức ăn, xây dựng chuồng trại…

Trên diện tích đất sản xuất hơn 1 ha hiện có của nông trại Thủy Thiên Nhu, chị Liên dành khoảng 3.000 m2 xây dựng vùng rau – củ - quả hữu cơ mùa nào thức nấy với sản phẩm đa dạng gồm các loại rau ăn lá, cà tím, dưa chuột, cà chua… Khoảng gần 1 ha là khu vực chuồng trại chăn nuôi lợn, gia cầm. Tại đây, chị phát triển mô hình trang trại khép kín, áp dụng hoàn toàn công nghệ vi sinh hữu hiệu EM của Nhật Bản trong tất cả quy trình nuôi trồng và sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Nhờ vào điều này, nông trại hoàn toàn khống chế được dịch bệnh, đảm bảo những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chất lượng cao đạt tiêu chí "3 Không”, bao gồm: Không dịch bệnh; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; không sử dụng chất kích thích tăng trưởng, các hóa chất gây độc hại đến sức khỏe con người và môi trường xung quanh.

Bên cạnh quy trình sản xuất thuận tự nhiên và nhân văn giúp cải tạo hiệu quả môi trường đất, nước và không khí, nông trại còn đảm bảo các dịch vụ chuyên biệt, áp đặt các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm với những quy định khắt khe từ khâu sản xuất, nuôi trồng, giết mổ, sơ chế, vận chuyển, bảo quản và phân phối tới tận tay người tiêu dùng qua chuỗi cửa hàng chuyên biệt.

Quản lý thương hiệu "Thực phẩm hữu cơ và sạch Orfarm”

Thủy Thiên Nhu là một trong những trang trại đầu tiên tại Việt Nam áp dụng phương pháp nuôi trồng hữu cơ theo công nghệ vi sinh hữu hiệu tiên tiến Nhật Bản. Đây được coi là mô hình trang trại sạch nhất bởi chăn nuôi không có chất thải, nước thải, khí thải, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Đặc biệt, quá trình 5 năm chăn nuôi, trang trại chăn nuôi chưa để xảy ra bất kỳ dịch bệnh nào. Với nguồn con giống chủ động, tại chỗ, thành phần thức ăn chính là ngô, gạo, đậu tương ủ lên men, thời gian nuôi kéo dài 7 - 8 tháng/lứa lợn thành phẩm, nông trại sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng, được chứng nhận VSATTP do cơ quan chức năng Bộ Y tế cấp.

Là chủ nông trại, đồng thời quản lý thương hiệu "Thực phẩm hữu cơ và sạch Orfarm”, chị Liên không chọn đường hướng kinh doanh theo lối mòn đưa sản phẩm vào các siêu thị, nhà hàng mà thử nghiệm đầu tư hệ thống cửa hàng mang thương hiệu của nông trại. Mặt khác, để tạo dựng chỗ đứng, xây dựng lòng tin với người tiêu dùng Việt, chị thuyết phục khách hàng bằng cách dùng thử sản phẩm, tổ chức các chuyến thăm quan, chương trình trải nghiệm tại Thủy Thiên Nhu. Bình quân mỗi tuần, trại lợn cung cấp ra thị trường 2 tấn thịt thương phẩm. Ngoài ra còn có thịt gà, các loại rau – củ - quả canh tác theo phương pháp hữu cơ đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn. Sản phẩm nguồn gốc từ nông trại hiện có mặt tại chuỗi cửa hàng ở các địa chỉ: tầng 1, toà nhà 28, số 72 Trần Đăng Ninh, quận Cầu Giấy; số 13 Đỗ Quang, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy; số 198B phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ; số 34 Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội); số 127A đường Nguyên Cao, phố Mỹ Hưng, phường Tân Phong, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh.

Sau 5 năm sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm sạch, chị Liên có được thương hiệu riêng và thành công trong xây dựng mô hình "nông trại sạch – bàn ăn xanh”. Cũng nhờ đây, người tiêu dùng ở 2 thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh biết đến và tin dùng sản phẩm sạch, hữu cơ chất lượng cao xuất xứ Hòa Bình, góp phần quảng bá nông sản, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Bùi Minh

Các tin khác


Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp

(HBĐT) - Thời gian qua, cùng với thực hiện hiệu quả hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả 3 chương trình đồng hành với thanh niên trong học tập; khởi nghiệp, lập nghiệp; rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa, tinh thần trong đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Trong đó, chương trình "Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” tạo thành phong trào có sức lan tỏa rộng, hàng trăm mô hình phát triển kinh tế của thanh niên đã được xây dựng đạt hiệu quả cao.

Đoàn Thanh niên thị trấn Hàng Trạm hỗ trợ thanh niên lập nghiệp

(HBĐT) - Phong trào "Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” được Đoàn Thanh niên thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) chú trọng thực hiện trong thời gian qua. Với sự ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương và nỗ lực từ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) đã xuất hiện nhiều gương thanh niên làm kinh tế giỏi tiêu biểu.

Đoàn xã Phú Nghĩa: Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên

(HBĐT) - Những năm qua, Đoàn xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) đã triển khai nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong phát triển kinh tế, tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đầu tư xây dựng mô hình. Qua đó tạo điều kiện cho ĐVTN phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Thắp lửa tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên xã Ngọc Lương

(HBĐT) - Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, tuổi trẻ xã Ngọc Lương (Yên Thủy) luôn khát khao lập thân, lập nghiệp với nhiều cách làm hay, sáng tạo, không ngừng đóng góp ý tưởng khởi nghiệp, thi đua lao động sản xuất trên các lĩnh vực nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuổi trẻ tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu, tích cực đóng góp công sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Tuổi trẻ thị trấn Mãn Đức thi đua khởi nghiệp sáng tạo

(HBĐT) - Có lợi thế vị trí địa lý nằm ở khu vực trung tâm huyện với hệ thống đường giao thông thuận tiện, dân cư đông đúc, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) không ngừng nỗ lực sáng tạo, thi đua lao động sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống. Qua đó đã triển khai xây dựng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của tuổi trẻ trong xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Đoàn phường Thái Bình tiếp lửa phong trào khởi nghiệp sáng tạo

(HBĐT) - Phường Thái Bình (TP Hòa Bình) có trên 2.000 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), trong đó khoảng 400 ĐVTN là lực lượng nòng cốt trong thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo của tuổi trẻ, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Đồng thời khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của thế hệ trẻ trong xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục