Dư luận xôn xao với những ý kiến trái chiều về đoạn kết truyện cổ tích Tấm Cám với những phản bác và đồng tình. Thế nhưng vấn đề không phải là đoạn kết câu chuyện trên nên kết thúc thế nào mà là thái độ chúng ta khi tiếp nhận cổ tích ra sao.

Ai cũng đồng tình rằng đọc một bài thơ và cảm nhận nó không thể bằng tư duy cảm nhận truyện ngắn hoặc đọc tiểu thuyết không thể cảm nhận bằng xúc cảm của thi ca để rồi lên tiếng đồng tình hay phản bác mà sao với Tấm Cám lại lắm sự bàn tán đến thế. Với văn học nghệ thuật nói chung không thể duy lý trong cảm nhận. Ngay các cháu thiếu nhi xem hoạt hình thấy chiếc xe lăn cán chú mèo mỏng như tờ giấy rồi chú mèo sống lại như thường không phải các cháu không thấy vô lý nhưng sao lại rất thích thú? Đơn giản là các cháu hồn nhiên cảm nhận phim hoạt hình theo đúng tư duy hoạt hình!

Cái kết “làm mắm” trong Tấm Cám không nên nhìn nhận và đánh giá bằng con mắt hiện đại hôm nay một cách cụ thể. Với dân gian, đấy chỉ là tư tưởng “ác giả ác báo”, “gieo gió gặp bão”. Bản chất của cổ tích là phản ảnh ước mơ của nhân dân, người tốt phải được hạnh phúc như lấy được vua, hoàng tử; kẻ xấu phải bị trừng trị, không bị làm mắm thì cũng hất xuống biển hoặc bị hóa thành bọ hung suốt đời sống trong phân bẩn. Cụ thể hóa hình thức ước mơ một cách duy lý trong phân tích khi tiếp nhận cổ tích là phản cổ tích. Những thể hiện ước mơ luôn phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử và sửa lại cổ tích cho đúng với hôm nay cũng là phản cổ tích.

 Nên tôn trọng những ước mơ dân gian trong các câu chuyện cổ tích.Ảnh: CTV

Nhìn lại trong lịch sử, hình thức xử tử cũng không thiếu từ tứ mã phanh thây, cho vào vạc dầu đến chém đầu, xử bắn và hiện nay là tiêm thuốc độc. Không lẽ một nhân vật lịch sử ký án tử hình cho một kẻ xấu như xử bắn chẳng hạn, đến hôm nay lại phải đổi thành tiêm thuốc độc cho nhân đạo hơn, cho nhân vật lịch sử đó đẹp hơn!? Trẻ con tin và đồng tình với những hình thức trả giá của nhân vật hoạt hình, sao người lớn không thể tin và đồng tình với hình thức trừng trị kẻ ác trong ước mơ của nhân dân?

Có ý kiến suy diễn rằng Tấm là người hiền hậu, chịu nhẫn nhịn và chỉ “ác” sau khi thành vợ vua, nghĩa là sau khi có quyền lực. Đó là cách suy diễn của ngày hôm nay chứ cổ tích trong truyền miệng dân gian hồn nhiên và vô tư hơn nhiều. Lại có ý kiến cho rằng Tấm Cám là tài sản văn hóa dân tộc nên nhân vật không thể ác đến thế! Xin đừng nhìn vào cách trừng trị cụ thể trong ước mơ của nhân dân nằm trong cổ tích ngoài tư tưởng kẻ ác phải bị trừng trị cho xứng với điều ác họ gây ra. Cứ cách suy diễn trên, có lẽ những truyện cổ tích, thần thoại Việt Nam phải sửa lại hết như dân ta đâu có truyền thống ly thân mà Lạc Long Quân và Âu Cơ chả có mâu thuẫn gì tự nhiên cũng chia con, người lên rừng, người xuống biển! Đến Vua Hùng cũng là người thiếu công bằng sao trong việc thách cưới khi Sơn Tinh, Thủy Tinh kẻ trên núi, người dưới nước mà đồ thách cưới toàn thứ trên cạn như gà chín cựa, ngựa chín hồng mao!

Cũng không thể bắt mọi hình thức xử lý trong ước mơ của nhân dân phải giống nhau như Bụt hiện ra cho Tấm xử mẹ con Cám nhưng Tấm vẫn tha khiến Bụt biến cám thành lọ mắm cho tương xứng như “Thạch Sanh”! Như vậy chỉ làm nghèo đi cổ tích.

Dạy cổ tích cho học sinh là dạy tinh thần cổ tích mang ước vọng của nhân dân và không nên sợ học sinh hiểu sai và ảnh hưởng nhân cách mà cắt bỏ hay thay đổi đoạn kết! Tôn trọng cổ tích là cách làm đúng nhất bởi các em từ nhỏ đã biết phân biệt cái đúng sai, cái đáng tin và không tin, cái chấp nhận và không chấp nhận bằng con mắt hồn nhiên và đồng cảm với loại hình nghệ thuật tiếp nhận. Hình như người lớn chúng ta “cẩn thận” quá và như thế thì đến Tom và Jerry nổi tiếng toàn thế giới cũng phải đề phòng chuyện trẻ bị ảnh hưởng rồi thích gây sự, thích đánh nhau, mất đoàn kết để rồi phải sửa lại!

 

                                                                Theo Báo SKĐS

Các tin khác


Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục